Với định hướng “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn” làm sao để có những kết quả rõ rệt nhất - đây là nội dung quan trọng mà bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của Báo VOV trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm.
Bà có thể nói sơ lược tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP.HCM hiện nay? Đâu là những vấn đề còn tồn tại?
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM, số vụ ngộ độc tập thể giảm hẳn nhưng vẫn còn xuất hiện những vụ ngộ độc đánh giá là cấp tính. Tức là chỉ biểu hiện bề ngoài, còn những độc chất tích tụ trong cơ thể, hàng chục năm sau mới phát ra. Còn đa số các trường hợp có biểu hiện ngộ độc, có dấu hiệu rối loạn tiêu hoá là nhiễm vi sinh do khâu bảo quản và chế biến thực phẩm không đảm bảo...
Bên cạnh đó, một số trường hợp hy hữu xảy ra như ngộ độc rượu lẫn methanol có thể gây chết người, ngộ độc botulinum, độc tố uốn ván..., do đó chưa thể kết luận cụ thể sản phẩm nào là nguyên nhân. Điều này rất nguy hiểm. Nếu trường hợp không cấp cứu kịp thời, không có thuốc cấp cứu, sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
Và còn rất nhiều vấn đề sử dụng hoá chất công nghiệp thay thế cho hoá chất phụ gia đủ tiêu chuẩn thực phẩm để tiết kiệm chi phí. Điều này tạo ra những mối nguy cơ rất lớn về ATTP.
Vậy những khó khăn thách thức lớn nhất của Sở An toàn thực phẩm hiện nay là gì, thưa bà?
Thứ nhất là tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè với thực phẩm trôi nổi. Những thực phẩm này không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nên tiết kiệm chi phí và rẻ hơn, vì vậy, người dân thích mua những thực phẩm này. Người dân cũng muốn dùng thực phẩm an toàn nhưng chưa ý thức được mối nguy hiểm khi sử dụng nên hành động còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, tình trạng kinh doanh thực phẩm online ngày càng nhiều nên việc quản lý trên môi trường mạng sẽ phức tạp hơn. Khó khăn nữa là công tác nhân sự của Sở ATTP. Hiện TP.HCM có 3 chợ đầu mối nhưng Sở chỉ bố trí được 10 đội quản lý ATTP. Do không đủ người nên chúng tôi phải sắp xếp 1 đội phụ trách quản lý 3 quận. Số biên chế còn thiếu rất nhiều nên đội ATTP không chỉ đảm nhiệm công tác thanh tra, mà còn phải đi lấy mẫu kiểm nghiệm, rồi đi giám sát nguy cơ, tuyên truyền, xử lý ngộ độc...
Là địa phương đầu tiên thành lập Sở An toàn thực phẩm, theo bà nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là gì?
Việc thành lập Sở cũng là kỳ vọng rất lớn của người dân, cộng đồng và của các cấp lãnh đạo vì sẽ tiếp quản rất nhiều việc còn dở dang trong quá trình còn là Ban ATTP. Ví dụ như vấn đề thực phẩm sạch, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với hội công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Và không chỉ dừng lại ở thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, chúng tôi sẽ phối hợp cùng UBND TP, Sở Khoa học - Công nghệ mở rộng ra các hệ thống phân phối để có thể truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm này.
Trong việc xử phạt, với góc độ là Sở ATTP thì việc thanh tra chắc chắn sẽ chủ động hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng những chuyên đề tập trung trong vấn đề quảng cáo cũng như chất lượng thực phẩm chức năng. Đồng thời đặt mục tiêu không những không xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt ở những nơi cung cấp nhiều suất ăn, mà hết sức lưu ý tới những yếu tố về ngộ độc thực phẩm nguy hiểm, xảy ra có tính bất chợt ngẫu nhiên như ngộ độc rượu, ngộ độc do Botulinum…
Chúng tôi có những chuyên đề phối hợp cùng các sở, ngành khác. Đặc biệt đẩy mạnh kiếm soát về phụ gia, phải bảo đảm chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm chứ không sử dụng phụ gia công nghiệp… theo định hướng là “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn” với nội dung cao hơn và sâu hơn làm sao để có những kết quả rõ rệt nhất.
Công tác thanh tra trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?
Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh thanh tra đột xuất, thanh tra theo thông tin sẽ có ý nghĩa và đạt hiệu quả. Bởi chúng tôi mong các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thực phẩm ý thức rằng sẽ bị thanh tra bất cứ lúc nào nếu làm bậy. Nhưng về cách thanh tra, thì chỉ thanh tra những nơi cấp phép. Cho nên, muốn thanh tra có hiệu quả, đặc biệt là những vụ việc phi phạm lớn phải chuyển qua hình sự và điều tra như một vụ án.
Nhưng có một điều đáng buồn là kênh thông tin của người dân qua đường dây nóng, hơn phân nửa là không có căn cứ, đi xác minh rất mất thời gian, nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Thanh tra, kiểm tra phải có mục tiêu.
Trân trọng cảm ơn bà!
Kim Dung thực hiện