“Để khống chế, thu hẹp địa bàn có dịch, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, dồn tổng lực về đích tiến tới loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, đây là điều TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của Báo TNVN nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét năm 2024.
Việt Nam đặt mục tiêu sẽ kết thúc bệnh sốt rét vào năm 2030. Với tiến độ như hiện nay, liệu Việt Nam có hoàn thành mục tiêu, thưa ông?
Chiến lược Quốc gia về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1920/QĐ-TTg, ngày 27/10/2011 và lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 08/QĐ-BYT, ngày 5/1/2017 và Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định Việt Nam sẽ loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Bệnh sốt rét vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác phòng chống sốt rét đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sốt rét đã giảm mạnh. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 46 tỉnh được công nhận đã loại trừ sốt rét đạt kế hoạch so với lộ trình loại trừ bệnh sốt rét đã được Bộ Y tế phê duyệt. Trong số 17 tỉnh, thành chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ, tuy nhiên, số thôn, bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp.
Theo ông, công tác phòng chống bệnh sốt rét ở nước ta hiện nay còn gặp khó khăn gì?
Sốt rét là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền qua muỗi Anopheles. Trong 3 năm gần đây, số ca sốt rét trên dưới 450 ca/năm. Toàn quốc hiện còn khoảng 4 triệu người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành, chủ yếu là người dân sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới đi lại khó khăn, khó tiếp cận các dịch vụ y tế về xét nghiệm, điều trị.
Vấn đề giám sát, quản lý phòng chống và loại trừ sốt rét cho đối tượng dân di biến động vẫn còn là một thách thức lớn do người dân tại vùng sốt rét lưu hành, đồng bào dân tộc ít người, người lao động thời vụ và có thói quen đi nương rẫy không ngủ màn, không uống thuốc đúng/đủ liều khi bị bệnh. Bên cạnh việc xuất hiện bệnh nhân sốt rét kháng thuốc, cũng đã xuất hiện muỗi truyền bệnh sốt rét kháng hóa chất, khiến cho công tác phòng, chống bệnh gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống sốt rét là một rào cản lớn trong hoạt động phòng, chống. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng chống sốt rét. Kinh phí dành cho hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét chuyển về cho địa phương, ngân sách hạn chế, còn khó khăn vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống và loại trừ sốt rét.
Hiện nay, việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở cũng gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có kính nhưng xét nghiệm viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét nên kỹ năng phát hiện cũng giảm dần.
Một trong những thách thức lớn chúng ta đang phải đối diện do Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc-tơ gây bệnh phát triển, khó kiểm soát, khó tiêu diệt véc-tơ, nhất là trong rừng, rẫy trong khi nhân lực trong phòng chống sốt rét bị cắt giảm, kinh phí cắt giảm, các tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí khi dịch giảm. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc-tơ và giám sát ca bệnh, nguy cơ sốt rét quay trở lại khi có ca bệnh ngoại lai hoặc thể ẩn (asymtomatic) phát bệnh lây thành dịch do không được phát hiện sớm và xử lý thụ động không kịp thời.
Điều đáng nói, hệ thống cán bộ phòng chống sốt rét còn thiếu và yếu về số lượng, nhất là tuyến huyện, xã. Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở cũng thường xuyên thay đổi do đó việc nắm bắt công việc cũng cần có thời gian tiếp cận, cập nhật kiến thức.
Từ những khó khăn kể trên, ông có đề xuất, kiến nghị gì để Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong năm 2030?
Để loại trừ được bệnh sốt rét, tất cả các ca bệnh, ổ bệnh phải được điều tra, xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và xử lý muỗi bằng phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất và truyền thông cho người dân. Do vậy, để hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ. Một là, dồn tổng lực về đích: Xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương thay thế nguồn viện trợ; duy trì tính bền vững.
Hai là, đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách. Duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn - hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh - lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế - chủ động giám sát và phòng chống véc-tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; Ứng dụng công nghệ thông tin.
Ba là, tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc tơ, kháng thuốc cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp. Bốn là, chủ động đánh giá và phòng sốt rét quay trở lại tại các địa phương đã loại trừ.
“Ngày 25/4 hằng năm, Tổ chức Y tế Thế giới kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống sốt rét nhằm nhấn mạnh cam kết của cộng đồng về phòng chống bệnh sốt rét, cũng như huy động sức mạnh toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung hướng tới một thế giới không còn bệnh sốt rét. Thông điệp cho ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét năm 2024 là “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ y tế để phòng chống sốt rét.
|
Với công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực phòng chống sốt rét, chúng ta cần chú trọng điều gì?
Hiện nay, không có cơ sở đào tạo về chuyên khoa sốt rét, các cán bộ làm công tác sốt rét tùy thuộc vào vị trí, việc làm của đơn vị tuyển người và phân công phụ trách thực hiện các hoạt động sốt rét. Về cơ bản có thể chia làm 3 nhóm công việc: Điều tra, giám sát, quản lý ca bệnh, thống kê báo cáo; Chẩn đoán xét nghiệm, điều trị; và phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét.
Các cán bộ này cần được tập huấn về công tác phòng chống sốt rét để nâng cao kiến thức, kỹ năng khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, cán bộ làm công tác sốt rét đặc biệt là tuyến cơ sở vẫn chưa được tập huấn thường xuyên.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét và phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ, cán bộ làm công tác phòng chống sốt rét cần có kiến thức và thực hành tốt. Để đạt được điều này cần tập huấn và tập huấn lại hàng năm theo các nhóm công việc nêu trên. Vì vậy, các đơn vị khi có nhu cầu có thể cử cán bộ tới Viện để được đào tạo đúng chuyên môn, phục vụ tốt công tác phòng chống bệnh sốt rét.
Ông muốn nhắn nhủ điều gì đến đội ngũ của ngành cũng như đến người dân nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét?
Đối với cán bộ y tế làm công tác sốt rét: hãy cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sứ mệnh cao cả là loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam.
Đối với người dân: chủ động phòng bệnh sốt rét, ngủ màn/màn tẩm hóa chất diệt muỗi thường xuyên, nhất là khi ngủ lại ở nương rẫy, trong rừng; khi bị sốt, sốt rét hãy đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang thực hiện