Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai cụ thể các giải pháp nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm…

 

“Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai cụ thể các giải pháp nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm”, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn của Báo TNVN nhân Tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm.

Trước tiên xin ông đánh giá tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta?

Trong thời gian qua, tuy tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra nhưng đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể giai đoạn 2014 - 2018 ghi nhận trung bình mỗi năm có 160 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.573 người mắc và 24 người tử vong, đến giai đoạn 2019 - 2023 giảm xuống trung bình mỗi năm còn 100 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.181 người mắc và 23 người tử vong.

Đối với ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp/khu chế xuất cũng có xu hướng giảm, giai đoạn 2014 - 2018 ghi nhận trung bình mỗi năm có khoảng 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1298 người mắc, đến giai đoạn 2019 - 2023 giảm xuống trung bình mỗi năm còn khoảng 5 vụ ngộ độc thực phẩm làm 237 người mắc.

TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Ngộ độc tại bếp ăn trường học cũng có xu hướng giảm, giai đoạn 2014 - 2018 ghi nhận trung bình mỗi năm có khoảng 9 vụ ngộ độc thực phẩm làm 503 người mắc, đến giai đoạn 2019 - 2023 giảm xuống trung bình mỗi năm còn khoảng 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 329 người mắc.

Trong năm 2024, đến thời điểm này, nhìn chung số vụ ngộ độc thực phẩm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học vẫn được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên vừa qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng, quán ăn và một số các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm, nhất là trong khu vực gần trường học.

Vì sao cứ hè đến lại xuất hiện những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, đặc biệt ở trường học, khu công nghiệp, thưa ông?

Thời gian mùa hè thường có nhiều yếu tố nguy cơ cao gây mất ATTP, nhất là tại các bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp. Thứ nhất, do điều kiện thời tiết (nhiệt độ cao) - là một trong các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…). Khi sử dụng các thực phẩm có chứa các sinh vật trên có khả năng gây ngộ độc.

Ngộ độc tập thể ở Kiên Giang, hơn 50 học sinh tiểu học phải nhập viện cấp cứu. (ảnh: KT)Thứ hai, do nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước đá tăng cao trong mùa hè ở các nhà hàng ăn uống, bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể, khu du lịch…; Nhiệt độ cao cũng khiến thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng, biến chất nếu không được chế biến, bảo quản đúng cách. Đây là các thực phẩm có nguy cơ cao không đảm bảo an toàn.

Thứ ba, do tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn hán và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ, đặc biệt xảy ra vào mùa hè, gây nguy cơ ô nhiễm, không đảm bảo ATTP.

Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, Cục An toàn thực phẩm cần chú trọng điều gì để giảm thiểu nguy cơ NĐTP?

Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã có Công văn số 557/ATTP-NĐTT ngày 21/3/2024 gửi cơ quan chức năng địa phương triển khai công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong đó, đầu tiên là cần chú trọng tăng cường công tác thông tin truyền thông, chú ý hướng dẫn biện pháp vệ sinh, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Phòng chống ngộ độc thực phẩm do động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…) theo vùng miền. Đặc biệt chú ý đối tượng là người dân vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Người tiêu dùng nên chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh minh họa: L.H)Đối với người dân cần tuân thủ 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn. Đó là: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu chín kỹ thức ăn; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín; Nấu lại thức ăn thật kỹ; Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín; Rửa tay sạch; Giữ sạch các bề mặt chế biến; Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và động vật; Sử dụng nguồn nước sạch; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Đâu là những thách thức trong công tác quản lý, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, thưa ông?

Đó là việc quản lý, giám sát ATTP đối với các cá nhân, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, nhất là xung quanh khu vực trường học, khu công nghiệp còn nhiều khó khăn (ví dụ các cá nhân, cơ sở bán hàng rong không đăng ký kinh doanh, không phải có Giấy chứng nhận chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, di chuyển lưu động không cố định…).

Tiếp theo là một số vi phạm về ATTP như: sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục, lợi dụng mạng xã hội quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng… Nguyên nhân do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một số cá nhân, doanh nghiệp còn kém, vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, bất chấp sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Chưa kể, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn thấp (nhất là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa) nên họ không có điều kiện để mua và sử dụng thực phẩm chất lượng cao mà vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Trong nhân dân còn tồn tại tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: ăn tiết canh, ăn gỏi cá,... Không thể dùng biện pháp hành chính để thay đổi thói quen mà phải vận động, tuyên truyền, phải cần có thời gian.

Theo ông “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 chúng ta cần tập trung vào những vấn đề nào để góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất ATTP, đặc biệt là giảm các vụ ngộ độc tại các nơi như vừa kể trên?

Hai hoạt động chính được tập trung trong Tháng hành động, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Từ đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Công tác thanh tra trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Hằng năm, Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ quản lý Nhà nước về ATTP (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương), các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác bảo đảm ATTP theo trách nhiệm được phân công. Căn cứ kế hoạch hằng năm, các bộ, ngành và địa phương đều tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, trong đó chú trọng các nội dung vi phạm có diễn biến phức tạp như: tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về ATTP.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP; tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương… triển khai cụ thể các giải pháp nhằm phối hợp xử lý tình trạng vi phạm về ATTP; tiếp tục công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết… Đồng thời nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương, đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hường thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận