Ma túy thế hệ mới trà trộn trong thuốc lá, thuốc lào hoặc trá hình dưới dạng thực phẩm như bánh kẹo, trà sữa, nước dâu... là con đường ngắn nhất để tiếp cận giới trẻ. Cha mẹ cần trang bị những kỹ năng gì để giúp các con tự tin đối phó, giảm nguy cơ lạm dụng ma túy?
Số người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa
Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội mỗi năm tiếp nhận hàng trăm người nghiện ma túy thế hệ mới vào điều trị rối loạn tâm thần và can thiệp cai nghiện. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, hay bóng cười… có chứa ma tuý. Đáng báo động, tại các thành phố lớn đã xảy ra nhiều vụ học sinh cấp 2, cấp 3 phải nhập viện cấp cứu vì thuốc lá điện tử và dùng thực phẩm trà trộn ma túy. Điển hình, vụ ngộ độc ngày 25/10/2021 do ăn chung 1 gói kẹo (màu xanh, có in chữ nước ngoài, không rõ xuất xứ) của 1 học sinh mang đến lớp khiến 9 học sinh Trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long, Quảng Ninh nhập viện. Được biết, sau khi ăn kẹo, thấy các em có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay, ban giám hiệu nhà trường đã đưa các em học sinh này đi cấp cứu tại BVĐK Hạ Long. Tại đây, kết quả test nhanh nước tiểu cho thấy, cả 9 em đều dương tính với ma túy (THC - cần sa).
Trong những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, thời gian gần đây, số người nghiện ma túy thế hệ mới đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Hiện cả nước có gần 230.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15 tuổi.
Trước đây, nhắc đến ma túy người dân thường chỉ biết đó là chất bột màu trắng, tinh thể, chất nhựa… nhưng bây giờ ma túy còn có thể trà trộn trong thuốc lá điện tử, thuốc lào, tem giấy và trá hình cả dưới dạng thực phẩm trong các đồ ăn thức uống như bánh kẹo, cốc trà sữa, khô gà, nước vui, nước dâu, nước xoài… Các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa ma tuý đến cổng trường học, nhằm lôi kéo đầu độc giới trẻ.
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới, với khoảng 100 loại ma tuý đang được lưu hành trái phép, dưới dạng pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… để lôi kéo, đầu độc giới trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên. “Chủng loại ma túy đang thay đổi hàng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau. Nguy hiểm hơn, có những loại ma túy "trá hình", dưới dạng đồ ăn, thức uống... rất tinh vi, rất khó phát hiện. Lợi dụng tâm lý độ tuổi mới lớn, đang hình thành và hoàn thiện nhân cách, tâm lý chưa vững vàng, dễ chủ quan, dao động, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, thích ăn chơi, đua đòi, muốn thể hiện bản thân, một số trường hợp thiếu sự quản lý của gia đình… Các đối tượng buôn bán chất gây nghiện đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để quảng cáo, giới thiệu, tìm cách đưa ma tuý đến cổng trường hoặc dùng chính học sinh làm đối tượng mua bán, cung cấp trực tiếp trong trường học…”, bác sĩ Hồng Thu cho hay.
Kỹ năng “nói không” với ma túy
TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho biết: “Chất gây nghiện không chỉ gây ảo giác, loạn thần, mất khả năng tập trung ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên mà còn hao tốn tiền bạc của gia đình, gây mất an ninh trật tự, huỷ hoại tương lai của thế hệ trẻ. Ma túy tổng hợp dễ gây ra tác động thể chất như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giảm nhu động ruột, giảm nhu cầu ăn ngủ và nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe về lâu dài. Dùng bất cứ loại gì, sau khi hiệu quả của ma túy giảm, người sử dụng thường trải qua tình trạng kiệt sức, mệt mỏi, suy sụp và trầm cảm…”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh.
Thực tế có thể thấy, có nhiều trường hợp sử dụng ma túy một lần cũng có thể mắc nghiện, và công cuộc điều trị, cai nghiện là rất gian nan. Chính vì vậy khi tư vấn cho mọi người, bác sĩ Hồng Thu thường nói: Không nên chờ đến khi nghiện rồi mới chữa. Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Khi chưa sử dụng thì phòng tránh sử dụng. Đã sử dụng thì phòng tái sử dụng. Đã nghiện thì phải đề phòng tái nghiện; đồng thời khuyến cáo việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng là rất quan trọng. Cụ thể: Học sinh và phụ huynh nên được giáo dục về các loại ma túy "trá hình", cách nhận biết và hiểu rõ về nguy cơ và hậu quả. Chẳng hạn như mùi lạ, hương vị hoặc hiệu ứng kỳ lạ; Khuyến khích con tự bảo vệ bằng cách từ chối những loại thức ăn và đồ uống không rõ nguồn gốc hoặc có vấn đề; Đọc nhãn hàng hóa cẩn thận; Kiểm tra thành phần, nguồn gốc và thông tin liên quan; Khuyến khích con chia sẻ về bất kỳ điều gì đáng ngờ hoặc khó hiểu về các sản phẩm thức ăn và đồ uống.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần giám sát hoạt động và tương tác của con tại trường học. Cố gắng hạn chế con tiếp xúc với môi trường có nguy cơ. Hãy dành thời gian để trò chuyện với con, lắng nghe những suy nghĩ và cảm xúc của con mà không phê phán để con cảm thấy thoải mái chia sẻ và tìm sự hỗ trợ từ cha mẹ.
“Cha mẹ cần lắng nghe, hiểu rõ tâm tư, tình cảm của con, giúp con phát triển kỹ năng sống tích cực như quản lý stress, tự tin, giao tiếp hiệu quả, xác định mục tiêu cuộc sống rõ ràng, ra quyết định đúng đắn. Hãy giúp con phát triển khả năng “nói không" khi đối mặt với áp lực nhóm bạn cùng đề nghị sử dụng ma túy. Dạy con biết coi trọng giá trị học thức của mình lên hàng đầu, biết từ chối những hành vi đe dọa sức khỏe và cuộc sống của mình”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu nhắn nhủ./.
Lưu Hường