Trường ĐH Cửu Long tổ chức Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực y tế trong thời đại 4.0

Hội thảo có sự tham dự của hơn 20 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Australia và hơn 250 đại biểu trong nước…

 

Nhằm gợi mở những kiến thức liên quan đến sức khoẻ, đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế trong thời đại 4.0, ngày 07/11/2024, Trường Đại học Cửu Long tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế trong thời đại 4.0 hiện nay – Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo diễn ra song song bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 Quang cảnh buổi hội thảo

Tham dự Hội thảo có hơn 20 vị giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Australia, … Và hơn 250 đại biểu trong nước gồm các sở y tế, bệnh viện có ký kết hợp tác với nhà trường, các trường đại học, cao đẳng trong khu vực có đào tạo khối sức khoẻ các nhà khoa học trong và ngoài nước, là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sức khoẻ.

Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long đã giới thiệu sơ lược về nhà trường. Đồng thời khái quát về thực trạng nguồn nhân lực y tế Việt Nam hiện nay trong bối cảnh 4.0, đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập quốc tế. Những thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Định hướng và giải pháp đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Tại Hội thảo hôm nay, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long đề nghị đại biểu, các nhà khoa học cần tập trung thảo luận, phân tích những vấn đề về Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực y tế trong thời đại 4.0 trong nước và quốc tế. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế trong thời đại 4.0. Thực trạng về nguồn nhân lực y tế phục vụ cộng đồng trong nước và quốc tế hiện nay. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cộng đồng trong nước và quốc tế hiện nay. Giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực y tế trong thời đại 4.0. Giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực y tế trong thời đại 4.0. Ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo nguồn nhân lực y tế trong thời đại 4.0. Ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh hiện nay. Thực trạng và giải pháp tăng cường dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cộng đồng. Các xu thế và giải pháp cho vấn đề về sức khoẻ của cộng đồng. Ban tổ chức rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến sâu sắc của các nhà khoa học, góp phần tạo nên giá trị khoa học của Hội thảo.

 Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo.

Hội thảo nhận được 57 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước xoay quanh các nội dung: Thực trạng nguồn nhân lực y tế trong nước và quốc tế. Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế trong thời đại 4.0 hiện nay. Hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn lực y tế. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong đào tạo nguồn nhân lực y tế …

Hội thảo được tổ chức làm 2 phiên với 16 bài tham luận trực tiếp của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Cụ thể: ở phiên thứ nhất, các chuyên gia trình bày về:  Dự án “Phát triển quan hệ đối tác giữa Úc và Việt Nam để cải thiện các chính sách và can thiệp về dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi dễ bị tổn thương và có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn”. Thực tiễn về nghiên cứu vi chất dinh dưỡng dựa vào cộng đồng. Vấn đề đồng thiết kế và các bên liên quan/sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu y tế công cộng. Công nghệ thông tin y tế trong hệ thống giám sát chăm sóc sức khỏe. Cơ hội và thách thức trong giáo dục Điều dưỡng thời đại 4.0. Hiệu quả của SKT1 ở người bệnh vẩy nến: Một nghiên cứu trường hợp.

 Giáo sư Dianne Gayle Longson -Trường Đại học Cửu Long trình bày tham luận về Cơ hội và thách thức trong giáo dục Điều dưỡng thời đại 4.0

Theo Giáo sư Dianne Gayle Longson -Trường Đại học Cửu Long cho rằng cơ hội và thách thức trong giáo dục Điều dưỡng thời đại 4.0 bào gồm: chương trình giảng dạy đại học và cơ hội học tập thực hành. Các mô hình mới nổi. Giá trị của sự chăm sóc và khả năng phục hồi lấy con người làm trung tâm. Thích ứng với địa phương. Phản ánh các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ tốt nhất. Đồng thời, Giáo sư đề cập đến năm lĩnh vực chính đối với cơ hội và thách thức trong giáo dục Điều dưỡng thời đại 4.0: Sự thay đổi trong quan điểm và triết lý giáo dục để phù hợp với thực tiễn. Cần có sự duy trì những phẩm chất làm nên con người chúng ta. Cân bằng rủi ro với quyền riêng tư và bảo mật. Quản lý tài nguyên. Giảm khoảng cách số và khuyến khích tính toàn diện.

Tiến sĩ Ernesta Sofija - Đại học Griffith (Australia) trình bày tham luận về Vấn đề đồng thiết kế và các bên liên quan, sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu y tế công cộng.

Còn Tiến sĩ Ernesta Sofija - Đại học Griffith (Australia) nêu bật tầm quan trọng của đồng thiết kế trong việc nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Tiến sĩ chỉ rõ vấn đề cần giải quyết, vai trò của đồng thiết kế… Đồng thời đưa ra các ví dụ thực tế về sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu y tế công cộng.  

 Ở phiên làm việc thứ hai, các chuyên gia trình bày tham luận về: Những thách thức và cơ hội trong giảng dạy và chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục khoa học sức khỏe trong kỷ nguyên mới: Khung khái niệm và đề xuất phát triển. Đánh giá chế độ ăn uống: Phương pháp kết hợp để lựa chọn thực hành dinh dưỡng y tế công cộng. Đề kháng kháng sinh (AMR) như một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu: Tình huống, sự lây lan và cách phòng ngừa. Nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe. Dân số già hóa của Nhật Bản và những nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số (DX) trong lĩnh vực điều dưỡng và chăm sóc người cao tuổi. Giáo dục cho các chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề tại Nhật Bản: Thông qua sự hỗ trợ từ các bệnh nhân mô phỏng. Xu thế mới trong công nghiệp thẩm mỹ thân thiện với môi trường. Đào tạo nguồn nhân lực y tế y học cổ truyền phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế trong thời đại 4.0 hiện nay– Thực trạng và giải pháp. Báo cáo hoạt động của mạng lưới LMB PHEIN (Mạng lưới Viện Giáo dục Y tế Công cộng Lưu vực Hạ lưu sông Mekong) ViệtNam-Thailand-Lào-Campuchia.

 Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long trao chứng nhận và hoa cho các diễn giả có bài tham luận trực tiếp.

 Để nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành Khoa học sức khỏe, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long - Trường Đại học Phenikaa đề xuất giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế là điều “buộc phải làm”, vừa là vấn đề cấp bách, vừa là vấn đề lâu dài. Để làm tốt điều này cần có sự phối hợp toàn diện nhiều giải pháp, với sự tham gia tích cực của các bên có liên quan: chất lượng đầu vào; giảng viên; phương pháp dạy-học và lượng giá; thực hành; quản lý; chương trình đào tạo; công tác kiểm định chất lượng…Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. 

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để trao đổi, kết nối tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Cửu Long với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực khối sức khoẻ.

Trường Đại học Cửu Long ký kết hợp tác với Trường Y và Nha khoa, Group Y tế công cộng - Đại học Griffith.

Nhân dịp này, Trường Đại học Cửu Long ký kết hợp tác với các đối tác gồm: Trường Y và Nha khoa, Group Y tế công cộng - Đại học Griffith (Australia); Khoa Điều dưỡng, Khoa Y học cổ truyền, Khoa Y tế Công cộng-Đại học Ubon Rathchathani Rajabhat (TháiLan); Viện Nghiên Cứu Giáo Dục y Tế Và Phúc Lợi Nhật Bản Châu Á; Cty Đào Tạo & Nguồn Lực Gaku-En; Cty Phát Triển Nhân Lực Đại Việt. Đồng thời, tổ chức khánh thành Trung tâm Đào tạo Nhân lực Y tế theo nhu cầu xã hội. Trường Đại học Cửu Long hợp tác với các đối tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận