Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Nếu bệnh không được kiểm soát thì theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể.
Bệnh có xu hướng gia tăng
Theo Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường Thế giới (IDF), ước tính hiện nay có khoảng trên 537 triệu người trưởng thành độ tuổi 20-79 mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), tương ứng 10,5% dân số, trong đó có hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh ĐTĐ; Có 240 triệu người mắc bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán trên thế giới, nghĩa là khoảng một nửa người mắc ĐTĐ mà không biết tình trạng bệnh lý của mình; trong số này, gần 90% là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Những số liệu điều tra trên phạm vi quốc gia trong thời gian qua cho thấy tại Việt Nam tỷ lệ bệnh ĐTĐ cũng có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới.
Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14 tháng 11 và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt mồng 2/11, TS.BS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2002 cho thấy tỷ lệ bệnh ĐTĐ trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, điều tra quốc gia năm 2012 tỷ lệ này đã tăng gấp đôi lên 5,4%. Kết quả khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất năm 2020 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam là 7,3%; Tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%. Đáng chú ý, tỷ lệ người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60%, có hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh ĐTĐ.
Với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường giai đoạn 2024-2026 “Đặt sức khỏe người bệnh đái tháo đường làm trọng tâm” để lan tỏa đến cộng đồng việc thay đổi lối sống giúp người bệnh đái tháo đường có cuộc sống tốt hơn. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh đái tháo đường.
|
TS.BS Phan Hoàng Hiệp nhấn mạnh ĐTĐ là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu. Tuy nhiên, có thể giảm tác động của bệnh ĐTĐ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp.
Nên kiểm tra đường huyết định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh Sơn La cho biết, điều đáng lo ngại là phần lớn người bệnh tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Có nhiều người sau một thời gian dùng thuốc, chỉ số đường máu về bình thường thì thường hiểu lầm là đã khỏi bệnh và bỏ thuốc. Thực tế ĐTĐ không thể chữa khỏi, mà phải chấp nhận sống chung với căn bệnh này cả đời. ĐTĐ nếu không điều trị có thể gây mù lòa, tổn thương thần kinh dẫn đến nhiễm trùng phải cắt cụt chi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ĐTĐ chủ yếu là do môi trường, phơi nhiễm với một số loại virus, lười vận động, chế độ ăn không lành mạnh, hút thuốc… Vì vậy, BS Nguyễn Hữu Chiến lưu ý người dân không nên chủ quan. “Phòng chống bệnh ĐTĐ thì cần hạn chế dùng đường và ăn những đồ ăn nhanh; nên tăng cường ăn rau xanh, củ quả… Đối với những người có nguy cơ cao như người thừa cân béo phì, người có tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ thì phải kiểm tra đường huyết định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, phòng bệnh cần sự kết hợp giữa duy trì chế độ ăn lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đúng cách và kiểm tra đường huyết định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, bác sĩ Chiến khuyến cáo.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như chúng ta chú ý và quan tâm hơn nữa đến những hành động nhỏ nhưng thực sự hiệu quả. “Tập thể dục thường xuyên; ăn uống lành mạnh giúp duy trì cân nặng, thể lực, giảm huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính; Việc theo dõi kiểm soát lượng đường máu rất cần thiết, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ và đang điều trị, trong đó việc kiểm soát yếu tố nguy cơ hàng đầu là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tính trạng thừa cân béo phì. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị ĐTĐ ngay khi được chẩn đoán và tuân thủ phác đồ theo hướng dẫn”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để ứng phó với tình trạng trên, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt bằng các chính sách và nguồn lực lớn nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống phòng, chống bệnh ĐTĐ đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ gia tăng của bệnh ĐTĐ toàn quốc, giai đoạn 2020 - 2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017. Việt Nam đã nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ gia tăng bệnh ở mức thấp hơn so với tỷ lệ bệnh trung bình của khu vực và thế giới./.
Hương Giang - Thu Thùy