'Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS'

Đây là chủ đề trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12 năm nay tại Việt Nam.

 

Tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) tổ chức chiều 18/11, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, đáng lưu ý là gần 70% các trường hợp nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Cụ thể: Trong 9 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp nhiễm HIV mới, 1.263 trường hợp tử vong. Đáng nói, trong số người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay, có 82,9% là nam giới ở độ tuổi từ 15 - 29 (chiếm 40%) và 30 - 39 (27,3%); nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất (42,2%).

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS phát biểu.Cục trưởng Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh về hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5% tháng 9/2024; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua và là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm. Và dự báo đây cũng là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ths Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu.Ths Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Theo phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao, quan hệ tình dục đang là đường lây nhiễm chính. Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể,...

“Một trong những nguyên nhân khiến dịch vẫn diễn biến phức tạp là do vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV khiến khả năng tiếp cận triển khai can thiệp gặp khó khăn. Đây là rào cản lớn trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống dịch của người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao”, ông Đức nhấn mạnh.

Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. “Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử”, PGS.TS Phan Thị Thu Hương bày tỏ./.

Lưu Hường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận