Dùng nước khoáng để nấu ăn liệu có an toàn?
Sau khi nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn nhiều hộ gia đình đã không có đủ nước để sinh hoạt và buộc lòng phải mua nước khoáng đóng chai về để sử dụng. Nhưng dùng nước khoáng nấu ăn, có phải an toàn tuyệt đối, và nếu buộc phải sử dụng trong một thời gian dài thì sao?
Hiện trên thị trường có nhiều loại nước khác nhau gồm nước khoáng, nước suối, nước tinh khiết.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, các loại nước này khác nhau về thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng. Trong đó nước khoáng tuy có khoáng chất nhưng hàm lượng thấp.
Do vậy, nếu dùng nước khoáng đun để nấu ăn thì không có gì hại, tuy nhiên trong nước khoáng có bổ sung magie, canxi… nên khi đun nấu sẽ bị kết tụ đọng lại ở thành nồi, xoong.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết, để nâng cao sức khỏe của cơ thể, người dân cần tích cực ăn các loại hoa quả, nhiều rau xanh, các loại thực phẩm giàu chất chống oxi hóa: Nước khoáng đóng chai thường người ta chọn những vùng nước khoáng giàu canxi, giàu magie,… Nồng độ nó rất thấp, khi nấu chỉ lãng phí thôi. Đáng lẽ không nấu thì nó tốt cho sức khỏe hơn, lượng khoáng hấp thu vào cơ thể. Còn khi nấu nó sẽ đóng cặn, kết tủa xuống đáy nồi đáy xoong thì thất thoát đi. Còn khi nó lẫn vào trong thực phẩm thì cơ thể không hấp thu được mà sẽ đào thải ra.
Đối với nước tinh khiết, đây là loại nước đã qua hệ thống lọc RO, do đó các vi chất bị giữ lại và nước không có thành phần khoáng.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nước tinh khiết đã qua hệ thống lọc RO chỉ nên dùng tạm thời, với lượng ít chứ không thể thay thế được nước sinh hoạt, ăn uống hàng này do thiếu các khoáng chất: Nước đóng chai của ta đa số là nước tinh khiết, nước lọc qua hệ thống RO. Nước ấy hầu như lấy hết các muối khoáng và vi chất trong nước và cho ta nước gần như tinh khiết. Cái này ta có thể ăn tạm thời, không lạm dụng nó. Chứ nếu thay thế toàn bộ nước ăn uống hàng ngày thì nguy cơ thiếu vi chất, khoáng chất cho cơ thể người là hiện hữu. Và nó có thể gây ra bệnh không rõ là bệnh gì vì các cơ quan trong cơ thể người đều yếu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi sử dụng người dân cũng cần đọc nhãn mác để biết đó là nước tinh khiết, nước suối hay nước khoáng và các thành phần có trong nước để sử dụng cho phù hợp.
Hiện nay, tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ.
Từ chiều ngày 15/10, sau khi Thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo người dân sử dụng nước sạch do Công ty nước sạch sông Đà cung cấp chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt mà không sử dụng để ăn uống, rất nhiều hộ dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phải mua nước đóng bình, đóng chai to để sinh hoạt.
Thế nhưng, không chỉ phát sinh thêm khoản kinh phí lớn mà người tiêu dùng còn băn khoăn về chất lượng nước đóng chai, đóng bình vốn đã khó kiểm soát chất lượng. Ngoài những hãng nước có thương hiệu lâu năm, nay xuất hiện thêm những loại nước mang nhãn mác lạ, không có tên tuổi, thậm chí “nhái” thương hiệu nổi tiếng.
Một người dân sống tại quận Hà Đông bày tỏ: Chúng tôi cũng rất mong mỏi rằng cơ quan quản lý nhà nước nên có thông tin xác thực và thông báo cụ thể về việc nhà máy nào, thương hiệu nào sản xuất nước đóng chai đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng để người dân yên tâm sử dụng…
Trước tình trạng bát nháo các loại nước uống đóng chai hiện nay, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm cần rà soát thị trường nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả và đưa ra những hướng dẫn tránh để người tiêu dùng lo lắng, bất an./.
Phương Thảo - Anh Tuấn/VOVgiaothong.vn