Tăng cường quản lý chất phụ gia trong chế biến thực phẩm

Nếu sử dụng các chất phụ gia một cách bừa bãi, hoặc quá lạm dụng sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

 

Việc sử dụng phụ gia dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm hay tình trạng sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm trên thị trường Việt Nam đang là nỗi lo của người tiêu dùng.

 Mối lo về thực phẩm có sử dụng chất phụ gia

Phụ gia thực phẩm (PGTP) là chất bổ sung vào thức ăn trong quá trình bảo quản hoặc dùng trong chế biến thức ăn để món ăn ngon miệng, đẹp mắt, hấp dẫn hơn. Nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các PGTP có tác dụng tích cực, nghĩa là tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng; giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng; tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm trên thị trường, kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. Nhưng nếu sử dụng các chất phụ gia một cách bừa bãi, hoặc quá lạm dụng, nhất là các phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Thời gian qua, có nhiều thông tin về việc nhiều chất phụ gia không được phép vẫn sử dụng trong chế biến thực phẩm như trứng gà có sử dụng phẩm sudan, hạt dưa, tương ớt có chứa rodamin, formol, hàn the thường được dùng trong bánh phở, nem, chả… làm cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Việc dùng đúng phụ gia trong chế biến thực phẩm sẽ có tác dụng tích cực.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay có đến hàng trăm loại PGTP khác nhau. Trong đó, một số nhóm chính được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm ở nước ta hiện nay, có thể kể đến như nhóm chất phụ gia bảo quản thực phẩm bao gồm các chất sát khuẩn có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn; các chất kháng sinh; các chất chống oxy hóa có tác dụng làm chậm sự biến chất, ôi khét, biến màu của thực phẩm. Nhóm phụ gia phẩm màu gồm chất nhuộm màu sắc tạo nên cảm quan hấp dẫn cho thực phẩm, tẩy trắng. Nhóm phụ gia tạo vị như bột ngọt tạo vị ngon, hàn the tạo vị dai và giòn, đường tạo vị ngọt... Một số chất được cho phép dùng là đường ăn, sorbitol, aspartam, bột ngọt…

Mặc dù đã có quy định về việc quản lý và sử dụng PGTP, tuy nhiên khi thực hiện công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện rất nhiều loại thực phẩm sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép, vi phạm quy định về ATTP.

Để hạn chế mức thấp nhất lượng PGTP và việc sử dụng phụ gia phải đảm bảo, không làm thay đổi bản chất của thực phẩm…, Thông tư 24/2019/TT-BYT về việc quản lý và sử dụng PGTP, mới có hiệu lực thi hành trong tháng 10 vừa qua.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Thông tư mới đã quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng PGTP, phân nhóm và định danh cụ thể từng loại phụ gia được phép hoặc không được phép dùng. Theo đó ban hành danh mục gồm 400 loại phụ gia được sử dụng trong thực phẩm và mức sử dụng tối đa đối với từng loại. Cụ thể: Đồ uống từ sữa dạng lỏng có hương vị được sử dụng tối đa 105mg curcumin/kg, đối với viên xúp và nước thịt thì mức tối đa là 50mg/kg; Erythrosin được sử dụng tối đa 200mg/kg quả ướp đường, mức sử dụng tối đa chất này đối với rau củ quả lên men và sản phẩm rong biển lên men là 30mg/kg, đối với sản phẩm dùng để trang trí lớp phủ, nước sốt ngọt thì lượng sử dụng tối đa là 100mg/kg…

Phạt tiền tới 80-100 triệu đồng

Việc xác định mức sử dụng tối đa PGTP theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) phải thực hiện theo các nguyên tắc sau: Hạn chế tối đa lượng PGTP sử dụng để đạt được hiệu quả mong muốn; Lượng phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất không làm thay đổi bản chất của thực phẩm hoặc công nghệ sản xuất thực phẩm; Phụ gia được sử dụng phải bảo đảm chất lượng, an toàn dùng cho thực phẩm và có thể chế biến, vận chuyển như nguyên liệu thực phẩm.

Thông tư mới quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng phụ gia thực phẩm. (ảnh: KT)“Thông tư mới đã quy định hương liệu được phép trong sử dụng bao gồm các hương liệu đã được các chuyên gia của Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá và xác nhận về mức độ an toàn, về lượng ăn vào chấp nhận được. Điểm mới cuối cùng trong thông tư này đó là thông tư đã giải thích rất cụ thể từng mã nhóm thực phẩm… Căn cứ vào quy định về mã nhóm thực phẩm thì người tiêu dùng cũng như người sản xuất phụ gia có thể lựa chọn được phụ gia sử dụng đúng đối tượng thực phẩm quy định”, bà Phương Lan chia sẻ.

          Điểm mới của Thông tư 24 so với Thông tư cũ (Thông tư số 27/2012/TT-BYT) ban hành từ năm 2012 cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn PGTP. Cụ thể: chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại PGTP trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản; việc san chia, đóng gói lại này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

“Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115 có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 quy định về sử phạt hành chính về vi phạm ATTP đối với các vi phạm trong sử dụng PGTP trong sản xuất và chế biến thực phẩm đã tăng mức phạt tiền so với các quy định trước đây. Cụ thể, có thể phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu các cơ sở xuất và kinh doanh thực phẩm sử dụng phụ gia có chứa hoặc nhiễm kim loại nặng, hay có chứa các chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, hoặc sử dụng phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng. Bên cạnh đó Nghị định cũng đưa ra hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất chế biến thực phẩm đối với từng hành vi vi phạm có thể tước quyền giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20-24 tháng. Đặc biệt tại điều 317 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã có quy định đối với hành vi vi phạm về ATTP như nhập khẩu, cung cấp hay bán các thực phẩm nhất là có sử dụng PGTP cấm sử dụng mà có khả năng gây chết người hoặc ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị phạt tù lên đến 20 năm”, bà nguyễn Thị Phương Lan nhấn mạnh.

A“Qua công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình PGTP từ trung ương đến địa phường đều ghi nhận các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng như PGTP đã được sử dụng theo đúng quy định. Tuy nhiên, cũng có một số lượng nhỏ PGTP nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, trái phép nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát”, bà Nguyễn Thị Phương Lan.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận