Chỉ vì nghe theo mách bảo, nhiều bệnh nhân tự đắp thuốc nam khi đau nhức chân, không chỉ suýt phải cắt chân mà thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Tính mạng bị đe dọa
Thấy cháu D.Q.Đ (12 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) kêu đau mắt cá chân sau khi đi đá bóng về, bố mẹ cháu cứ nghĩ đau qua loa rồi mai sẽ khỏi. Nhưng khi suốt đêm con đau nhức, kêu khóc, hôm sau gia đình đã đưa con đi chụp chiếu ở BV Đông Anh thì các bác sĩ bảo không bị sao, vài ngày sẽ đỡ. Về nhà, con càng đau nhiều, gia đình đã sốt ruột, đưa đến thầy lang ở quận Long Biên chữa trị. Tại đây, ông lang bảo chân con chệch khớp, cần nắn và đắp thuốc sẽ khỏi. “Nghe tiếng “khục” khi thầy lang nắn khớp, bố mẹ cháu cứ nghĩ hết chệch khớp rồi. Nhưng sau đắp thuốc, về nhà cháu càng rát, đau nhiều hơn và khó chịu, không ngủ được. Thấy chân cháu ngày một sưng tấy, tím đen, gia đình vội đưa cháu đến BV Việt Đức (Hà Nội) thì các bác sĩ chẩn đoán con bị áp xe vùng cổ bàn chân lan vào khớp cổ chân phải, có nhiều mủ cần phải mổ ngay. Nếu để lâu, ổ nhiễm khuẩn sẽ lan rộng, rất nguy hiểm. Đến nay, sau 2 tuần mổ, cháu đã ngủ và ăn được nhưng vết thương vẫn còn ra dịch, chưa biết khi nào mới được xuất viện”, bà P.T.Đ (bà nội của cháu Đ) buồn rầu nói.
Trường hợp anh Tr.V.N (49 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định) suýt mất chân do tự điều trị thuốc nam tại nhà. Anh N cho biết, vào thời điểm giáp Tết vừa qua, thấy bàn chân phải của mình đau nhức, đi lại khó khăn. Nhưng lúc đó do công việc bận rộn, thấy hàng xóm mách gần nhà có thuốc nam rất tốt, anh N đã quyết định mua về đắp. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, chân của anh N càng sưng và đau nhiều hơn. Khi xuất hiện các vết hoại tử và chảy dịch mủ thối, anh mới vội thu xếp công việc để đến BV Việt Đức khám. Tại đây, các bác sĩ đã quyết định can thiệp trong cấp cứu tình trạng nhiễm trùng hoại tử ở bàn chân phải, mặc dù tiên lượng khả năng giữ lại bàn chân khá dè dặt.
Là người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân N, Ths.Bs Trần Tuấn Anh, khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, BV Việt Đức cho biết: Do tâm lý ngại đi bệnh viện, ngại phải mổ xẻ nên anh N đã tự ý điều trị thuốc nam, rất may mắn anh N đã được các bác sĩ kịp thời giữ lại bàn chân cho mình. Bản thân anh N khi được điều trị khỏi cũng chia sẻ: “Tình trạng sử dụng thuốc nam và tự ý điều trị tại nhà ở địa phương tôi vẫn còn nhiều. Nhưng khi bản thân đã trải qua, tôi mới thấy sự nguy hiểm chết người của việc dùng thuốc nam từ truyền miệng để người dân biết mà tránh”.
Nhờ sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ Viện Chấn thương chỉnh hình và đơn vị chăm sóc vết thương - khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, cùng với sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, vết thương của anh N cũng dần tiến triển tốt hơn. Suốt 2 tháng ròng rã “xuyên Tết”, bàn chân của anh N mới có khả năng giữ lại, tuy chức năng vẫn còn hạn chế.
Khám đúng chuyên khoa, tránh “tiền mất tật mang”
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, BV Việt Đức cho biết, trường hợp cháu Đ và anh N không phải là hiếm gặp. Hằng năm, BV Việt Đức vẫn tiếp nhận và điều trị vài chục BN nặng từ các tỉnh, thành với các bệnh trạng khác nhau mà nguyên nhân xuất phát từ việc tự đắp, bôi, bó… thuốc nam không rõ nguồn gốc và không đúng chỉ định. Trường hợp chấn thương gãy xương, trật khớp y học hiện đại có thể chỉ dùng thuốc chống viêm, giảm đau hỗ trợ, BN nhất thiết phải khám xác định thương tổn và xử lý phù hợp như bất động, bó bột hoặc thậm chí phẫu thuật khi cần. Nhưng do BN không hiểu biết, tâm lý ngại đi bệnh viện lại sử dụng chất làm nóng lên từ thuốc nam không rõ nguồn gốc với hy vọng nhanh khỏi, thì đấy chính là yếu tố gây viêm tấy, dẫn tới hoại tử da rất nhanh và là con đường cho vi khuẩn xâm nhập.
“Khi lớp da hoại tử, vi khuẩn mới xâm nhập vào cơ thể theo đường máu, và càng làm cho tiến triển hoại tử nặng thêm nếu không được xử lý. Nếu người bệnh có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, huyết áp… sẽ có nguy cơ tắc mạch. Khi đó việc cấp máu kém đi, hoại tử càng lan rộng thêm, gây thiếu máu, nguy hiểm tới tính mạng… Gặp trường hợp vi khuẩn kháng thuốc, hay thuốc được chỉ định sử dụng lại không nằm trong gói BHYT, nếu nằm viện lâu dài không những chi phí tốn kém mà thời gian hồi phục sẽ khó khăn”, PGS Chính lý giải.
“Khi cơ thể tồn tại ổ nhiễm trùng, nguy cơ sẽ lan khắp nơi nếu không được kiểm soát. Ổ nhiễm trùng chưa được giải quyết sẽ phá hủy tại chỗ, nguy cơ mất chân khi lan sâu vào khớp. Nếu ổ này lan theo đường máu gọi là nhiễm khuẩn huyết, vi khuẩn sẽ chạy đi khắp nơi trong cơ thể, có thể đến gan, phổi, tim… Quá trình điều trị sẽ rất phức tạp cần hồi sức và kháng sinh mạnh, liều cao. Nặng sẽ dẫn tới suy đa tạng, gây tử vong”, PGS.TS Nguyễn Đức Chính.
|
Với tổn thương đã hoại tử ở mắt cá chân của anh N, các bác sĩ phải tiến hành nhiều đợt mổ nhằm loại bỏ những tổ chức hoại tử, khoanh vùng thương tổn. Tất cả quá trình chăm sóc rất lâu dài, rất cầu kỳ và cẩn thận mới giữ lại chân cho BN. “Đầu tiên, chúng tôi phải mở rộng dẫn lưu, cắt lọc tổ chức có mủ hoại tử, nếu không phần hoại tử sẽ lan dần - là nguy cơ mất chân; Lần 2, lại cắt lọc tiếp phần hoại tử để làm sạch phần tổ chức ranh giới mổ lần 1 hoặc tổ chức lành có thể giữ được nếu cần cắt lọc; Lần 3, tiếp tục cắt lọc, đặt hệ thống hút chân không VAC vừa để hút dịch vừa bảo vệ tổ chức bên dưới khi vết thương chưa có lớp da che phủ. Đây là quá trình lâu công nhất, bởi vết thương có đảm bảo được mặt bằng trên bề mặt, khi ấy mới được tiến hành vá da”, PGS.TS Nguyễn Đức Chính cho hay.
PGS Chính cảnh báo, việc chữa trị phải dựa vào bằng chứng cụ thể chứ không thể bằng kinh nghiệm dân gian, bởi có những trường hợp xương gãy rạn có dấu hiệu rất điển hình, ngay cả chụp X-quang cũng khó phát hiện. Chúng ta không phủ nhận có thầy lang làm việc có đạo đức và uy tín, sẽ càng làm phong phú những hình thức điều trị phù hợp. Nhưng người dân cần hiểu rõ, có những trường hợp vượt quá trình độ của họ, mà người bệnh không thấy chắc chắn thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để tránh “tiền mất tật mang”./.
Lưu Hường