Nguy hiểm khi lạm dụng truyền dịch

Nhiều người cho rằng truyền dịch là cách giúp người bệnh nhanh khỏe mỗi khi ốm đau mà không ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Tử vong do tự ý truyền dịch

Việc tự ý truyền dịch mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi là tình trạng khá phổ biến, thường diễn ra bởi nhiều người vẫn cho rằng, truyền dịch là giải pháp tối ưu giúp phục hồi sức khỏe. Mà không hề nghĩ rằng, việc truyền dịch như con dao hai lưỡi, thậm chí chỉ định truyền dịch đúng chuyên môn vẫn có thể xảy ra tai biến.

Ngày 16/10 vừa qua, bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội. Cùng ngày, một bé gái 6 tuổi tử vong sau khi truyền bù nước điện giải tại BVĐK quận Lê Chân, Hải Phòng. Trước đó, (hồi tháng 5), bé trai 32 tháng tuổi ở tỉnh Sóc Trăng tử vong do bị sốc phản vệ khi truyền dịch… Con số đau buồn này phần nào cảnh tỉnh về tình trạng lạm dụng truyền dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế.

Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, dịch là một loại sinh phẩm, khi trực tiếp đưa vào mạch máu thì nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra. Với một số người bệnh phải rất hạn chế việc truyền dịch, đặc biệt là người có nguy cơ viêm cơ tim cấp. Chẳng hạn trẻ chẳng may bị sốt do vi-rút, bệnh tay chân miệng… mà có nền bệnh viêm cơ tim cấp, khi truyền dịch vào thì tình trạng suy tim sẽ nặng lên rất nhiều chỉ sau 1 vài tiếng, rất dễ dẫn tới tử vong.

“Truyền dịch phải rất cẩn thận ngay từ lúc chỉ định và mỗi lứa tuổi truyền với tốc độ, liều lượng và thời gian khác nhau. Nhưng khi đã chỉ định đúng, tốc độ đúng thì quá trình theo dõi cũng phải cẩn thận đặc biệt với trẻ vì nếu có hiện tượng bất thường xảy ra thì việc phát hiện khó khăn hơn người lớn rất nhiều. Chẳng hạn nếu chẳng may quá tải dịch, là một trong những nguy cơ cho tim và hệ thống mạch máu. Do vậy, có thể dùng các thiết bị khác chẳng hạn như máy truyền dịch để góp phần cải tạo tính an toàn trong việc truyền dịch với trẻ nhỏ”, Ths.Bs Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.

Nên bù nước bằng đường uống

Bác sĩ Hải cũng cho biết, tâm lý của các mẹ khi con sốt cao, mệt mỏi thường lo lắng và nghĩ đến việc truyền dịch giúp cải thiện sức khỏe mà không nghĩ rằng việc bù nước bằng đường ăn uống hoàn toàn có thể được. Thậm chí cho con uống sữa, nước hoa quả, nước canh, nước cháo vừa đảm bảo việc bù mất nước vừa cung cấp các chất dinh dưỡng khác cần thiết giúp bé tăng khả năng hồi phục bệnh nhanh hơn là chỉ truyền dịch thông thường.

“Trẻ bị ốm thường mệt mỏi, biếng ăn. Khi được truyền dịch thì các mẹ sẽ nhàn hơn việc xúc từng thì bón cho con, nhưng thực ra dinh dưỡng và năng lượng từ chai dịch đó không đáng kể như mọi người lầm tưởng mà chủ yếu là bù nước điện giải. Ví dụ các loại dịch truyền như nước muối, đường… thì các thành phần khác như protid, đạm và dinh dưỡng khác hầu như không có; lượng đường chỉ khoảng vài gram trong khi đó 1 cốc sữa hơn 100kcal, đặc biệt nếu uống 200ml oresol, cơ thể sẽ hấp thu ít nhất 2/3. Do vậy, trong trường hợp đặc biệt như đứa trẻ nôn nhiều, mất nước nhanh, không uống được mới cân nhắc truyền dịch bằng đường tĩnh mạch”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nhi T.Ư cũng cảnh báo, mặc dù các phản ứng do sốc phản vệ ở khoa này rất hiếm xảy ra (chỉ có 1-2 ca/năm) nhưng phần lớn là cứu được. Tuy nhiên ở cơ sở không có kinh nghiệm, việc tính toán truyền dịch khối lượng cũng như tốc độ không đúng, sẽ gây nguy hiểm với tính mạng. Hay việc mời nhân viên đến nhà truyền dịch hoặc mời bất kể ai đến nhà truyền dịch là không đúng với quy chuẩn về truyền dịch của Bộ Y tế. Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ là tuyệt đối không truyền dịch tại nhà cũng như theo dõi thật chặt chẽ người bệnh trong quá trình truyền dịch tại bệnh viện.

Các chuyên gia cũng lưu ý, khi bị ốm, sốt, cách tốt nhất để phục hồi sức khỏe và bù nước điện giải bằng đường uống. Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ phải biết tính toán kỹ lưỡng tốc độ và thời gian giọt truyền như thế nào phù hợp chứ không thể tùy tiện. Đặc biệt, khi truyền dịch ở nhà không được xét nghiệm càng dễ xảy ra tai biến./.

Box: “Dịch truyền là dạng thuốc cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Việc tiêm, truyền cho bệnh nhân phải có chỉ định của bác sĩ. Nhưng dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tùy vào từng trường hợp cụ thể và có sự theo dõi của bác sĩ”, Ths.Bs Đỗ Thiện Hải.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận