Không để bệnh bạch hầu bùng phát trở lại

Bệnh bạch hầu hiện chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.

 

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh này có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân (BN) hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Theo BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào trong họng thì phát triển ngay ở niêm mạc họng - tạo ra màng trắng ngà (giả mạc) gọi là bạch hầu. Vi khuẩn tiết ra độc tố nhiễm độc toàn thân, ảnh hưởng trầm trọng đến cơ tim, thận, hệ thần kinh. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi vi khuẩn thường khu trú ở họng nên dễ xâm nhập sang người khác bằng đường hô hấp như qua tiếp xúc gần hoặc qua sự hít phải giọt bắn của người bị nhiễm khuẩn truyền sang.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Với những triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu như sốt nhẹ, đau họng, ho hắng, người bệnh dễ chủ quan và nhầm lẫn với bệnh viêm họng thông thường và tự mua thuốc về uống. Nhưng sau 2 - 3 ngày trở đi, khi giả mạc xuất hiện và dày dần, lan rộng sang hai bên thành họng, có thể lan sâu xuống thanh quản khiến khó thở, đồng thời giả mạc chuyển màu từ trắng ngà sang xám hoặc đen (lúc này giả mạc dai, dính, dễ chảy máu) kèm theo các biểu hiện toàn thân như: sốt rất cao, đau đầu dữ dội, mệt lả, da xanh xám… Lúc này vi khuẩn phát triển nhiều lên và tiết ra ngoại độc tố, sẽ làm cho tình trạng nhiễm độc ở BN, hoặc có trường hợp bị nặng sẽ xuất hiện phản ứng hạch dưới góc hàm sưng to lên và viêm quanh hạch, khiến cổ bạnh ra, người bệnh đau đớn và mệt mỏi. Sau 5 - 6 ngày, nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị, độc tố sẽ tăng lên xâm nhập vào máu và gây nhiễm độc toàn thân, ảnh hưởng đến tim, thận và thần kinh.

: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm chủng tại xã Quang Hoà.

“Khi BN bị biến chứng vào thần kinh có thể li bì, mê sảng giống như viêm màng não, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, suy thận... Tuy nhiên, với phương tiện hồi sức rất tốt hiện nay, BN có thể lọc máu, nguy cơ tử vong giảm hơn. Nhưng suy tim là khó nhất trong cấp cứu biến chứng bệnh bạch hầu, bởi khi độc tố tấn công vào tim, làm cho độ co bóp cơ tim ngắn đi, dẫn đến viêm cơ tim, thoái hoá tim, suy tim. Nguy hiểm hơn là độc tố còn tấn công vào hệ thống dẫn truyền thần kinh tim, gây ra loạn nhịp tim, khiến tỷ lệ tử vong rất cao”, bác sĩ Hồng Hà phân tích.

Có thể dự phòng bằng vắc-xin

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh. Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Thế nhưng, từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Lịch tiêm chủng vắc-xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; Mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thăm hỏi gia đình ông Sùng Văn T.

Từ đầu tháng 6 đến nay, đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor từ 3 đến 8/6; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hoà và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6, xã Quảng Hoà. Điều đáng nói, khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động không để bệnh bạch hầu bùng phát trở lại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời; Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận