Ngày 30/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam khai trương ngân hàng sữa mẹ vệ tinh đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong nỗ lực đảm bảo mọi trẻ sơ sinh, trong đó có trẻ non tháng, nhẹ cân, bệnh lý có thể tiếp cận được với sữa mẹ.
Không phải tất cả trẻ em khi sinh ra đều có thể bú sữa mẹ ruột, đó là trẻ sinh quá non tháng, nhẹ cân, có bệnh lý hoặc có mẹ bị bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, đối với nhóm trẻ này, sữa mẹ thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ là lựa chọn thay thế tốt nhất.
“Ngân hàng sữa mẹ là một phần của môi trường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, việc xây dựng một ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi sự đầu tư quy mô về nhân lực và tài chính. Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh là một sáng kiến để mở rộng dịch vụ từ ngân hàng sữa mẹ chính sang các tỉnh/địa phương lân cận”, ông Roger Mathisen, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Alive & Thrive chia sẻ.
Quy trình của một ngân hàng sữa mẹ gồm có ba bước: Sàng lọc và thu nhận sữa mẹ thô; Xét nghiệm, xử lý và thanh trùng sữa mẹ thô; Quản lý và sử dụng sữa mẹ thanh trùng. Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh Quảng Nam sẽ thực hiện hợp phần 3 - phân phối sữa mẹ thanh trùng từ Ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng từ 30/7 và sẽ bắt đầu thực hiện hợp phần 1 - thu nhận sữa mẹ thô từ 1/12/2020.
TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để vận hành dây chuyển lạnh khép kín đảm bảo sữa 100% đông đá trong quá trình vận chuyển và liên thông hệ thống theo dõi đảm bảo truy xuất sữa từ bà mẹ hiến tặng ở ngân hàng sữa mẹ chính tới trẻ sử dụng ở ngân hàng sữa mẹ vệ tinh và ngược lại”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chia sẻ: “Chúng tôi thành lập ngân hàng sữa mẹ vệ tinh dựa trên nền tảng của một Bệnh viện thực hành nuôi con sữa mẹ xuất sắc khi 100% sản phụ tới sinh tại bệnh viện được hỗ trợ tư vấn nuôi con sữa mẹ hoàn toàn khi xuất viện. Tuy nhiên mỗi năm có khoảng 300 trẻ sinh non, nhẹ cân điều trị bệnh lý phải cách ly mẹ cần nguồn sữa hiến tặng trong những ngày đầu sau sinh. Việc kết nối với Ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng để thành lập ngân hàng sữa mẹ vệ tinh được kỳ vọng sẽ lan tỏa những tác động tích cực của sữa mẹ thanh trùng đến những đối tượng này”.
Bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Trong thời gian tới, khi 21 bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn tỉnh đều trở thành Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, các bệnh viện đó sẽ đủ điều kiện để kết nối với ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Khi đó, tất cả trẻ em sinh ra tại Quảng Nam, bao gồm 1,000 trẻ non tháng, nhẹ cân, bệnh lý, đều có thể lớn lên từ sữa mẹ”.
Bộ Y tế, phối hợp với Alive & Thrive và các chuyên gia về ngân hàng sữa mẹ để xây dựng quy hoạch hệ thống ngân hàng sữa mẹ và ngân hàng sữa mẹ vệ tinh trên cả nước, đi kèm cùng với hướng dẫn quốc gia về thành lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ./.
L.H