Những thương tổn sắc tố da không chỉ do tia cực tím gây ra mà còn là sai lầm từ việc chăm sóc da không đúng cách.
Thương tổn khi chăm sóc da không đúng cách
Tiết trời nắng nóng, chỉ số tia UV (tia cực tím) cao có ảnh hưởng không nhỏ đến làn da, và là thời điểm thuận lợi xuất hiện các bệnh về da. Chẳng hạn ở trẻ nhỏ thường hay gặp rôm sảy, chốc, mụn nhọt…; Còn với độ tuổi lớn hơn thường bị viêm kẽ, trứng cá, viêm nang lông, nấm da. Những người tiếp xúc với tia UV kéo dài sẽ để lại những thương tổn như nám má, sạm da, bỏng da, lão hóa sớm, nguy hiểm hơn có thể gây ung thư da.
Đợt nắng nóng vừa qua số lượng bệnh nhân (BN) đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám những bệnh như: rôm sảy, mụn nhọt, điều trị tàn nhang, nám má, đồi mồi có sự gia tăng rõ rệt. Điều đáng nói, BN trẻ tuổi đến khám và điều trị nám má, tàn nhang nhiều hơn. Mặc dù những bệnh này là những thương tổn lành tính, không ảnh hưởng tới sức khỏe và thể chất, nhưng ít nhiều gây tâm lý tự ti, tác động tới tinh thần của người mắc.
Theo BSCKI Đỗ Thiện Trung, Phó trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong đó tia UVA, UVB sẽ làm cho lớp da thượng bì và trung bị kích thích sản sinh thêm melanin - chất sắc tố bảo vệ da. Nhưng nếu không biết cách bảo vệ và chăm sóc da, hoặc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời thì chất sắc tố này được sản sinh tăng mạnh - là yếu tố gây nám má, đen da…
Bác sĩ Trung cho biết, có những BN ở tuổi dậy thì do bị tàn nhang, đến trường bạn bè hay trêu chọc nên bố mẹ phải đưa đến khám sớm. Những BN này chỉ cần một vài liệu trình thuốc và được hướng dẫn cách chăm sóc da và dùng kem chống nắng là có thể khỏi bệnh. Nhưng cũng có BN thấy xuất hiện nám má, sạm da lại nghe mách bảo của bạn bè là tự đắp mặt, bôi kem trộn, chấm axit hay dùng sản phẩm tự chế từ lá trầu không, rượu gừng, nghệ, ốc sên… mà không biết rằng khi dùng sai có thể gây bít lỗ chân lông, kích ứng, dị ứng gây viêm da và mụn, dẫn đến sẹo.
“BN dùng thuốc tự chế bôi lên mặt có thể mới đầu da sẽ sáng. Tuy nhiên, dùng lâu dài sẽ dẫn đến kích ứng, bong tróc, da tổn thương nhiều hơn gây kích ứng, đỏ sau viêm, thậm chí có trường hợp đỏ ửng lên và đen sì. Dùng lá trầu không gây chết tế bào sắc tố gần như không hồi phục; hay dùng kem trộn và những chế phẩm tự chế thì dẫn đến tình trạng kích ứng và xuất hiện những thương tổn bọng nước, chợt loét da ở vùng đó, rất dễ để lại sẹo. Di chứng sẹo là tổn thương gần như không bao giờ hồi phục”, bác sĩ Đỗ Thiện Trung cảnh báo.
Nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa
Giải thích về việc xuất hiện nám, tàn nhang, bác sĩ Trung cho biết, bệnh này cũng có yếu tố di truyền. Với BN trẻ, do các em chưa có nhiều kiến thức về che chắn nắng bảo vệ da, lại thường xuyên ra ngoài nắng thì đấy sẽ là yếu tố thúc đẩy những nốt tàn nhang đậm màu nhanh. Với BN lớn tuổi, do một số người sử dụng thuốc Tetracyclin, Cyclin… mà không biết kháng sinh đấy làm tăng thêm nhạy cảm của da với ánh nắng. Do vậy những vùng nào tiếp xúc nhiều với ánh nắng như gò má, trước mũi sẽ bị thương tổn nặng hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng hoóc-môn tuyến giáp cũng làm thay đổi sắc tố da; Và một điều nữa là yếu tố tuổi tác và việc sử dụng kem chống nắng.
Sử dụng các sản phẩm kem chống nắng là một thói quen tốt, giúp chống lại tác nhân gây bệnh và kích thích sản sinh tế bào sắc tố cũng như chất sắc tố melanin bảo vệ da. Việc sử dụng chống nắng liên quan đến thời lượng, số lần thoa trong ngày hoặc kem có phù hợp với làn da không. Có người dùng loại kem chống nắng không phù hợp sẽ bị kích ứng da, lên mụn… Do vậy, cần được khám và tư vấn đúng bác sĩ chuyên khoa.
“Hiện nay vẫn còn nhiều người sai lầm khi thoa kem chống nắng cho rằng khi nào ra ngoài mới cần bôi. Thực tế, ngay từ sáng sớm (khi có ánh nắng mặt trời) đã phải dùng rồi. Bôi trước khi ra đường 15-20 phút, và 2-3 tiếng sẽ phải bôi lại 1 lần. Nếu ra mồ hôi nhiều thì thoa kem dày hơn một chút. Nếu thấy bí da mặt, nên dùng bông tẩy trang chứ không nên rửa mặt mỗi lần thoa kem chống nắng chồng lên. Chống nắng không phải chỉ bôi kem mà cần mặc áo chống nắng, che chắn mũ kính bảo vệ làn da”, BSCKI Đỗ Thiện Trung khuyến cáo.
Hiện nay, số người bị tàn nhang nám má khám ở BV Da liễu Trung ương tương đối nhiều. Trong đó, số lượng tự chữa chiếm 30-40%, thậm chí có BN đã thương tổn da sâu đã tìm đến những cơ sở làm đầu, spa trị liệu bằng phương pháp laser, là nguy cơ để lại sẹo. “Khi có vấn đề thương tổn về da, người bệnh nên thăm khám tại chuyên khoa da liễu, bác sĩ sẽ chụp mặt để hỗ trợ phân tích, xác định thương tổn da chính xác. Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều biện pháp để chữa trị những tình trạng da kể trên, như: thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống, hoặc kèm các biện pháp: laser, chiếu ánh sáng cường độ cao IPL, thay da sinh học, tiêm trẻ hóa… Khi được áp dụng kết hợp nhiều phương pháp thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn”, BSCKI Đỗ Thiện Trung lưu ý./.
Lưu Hường