Văn bản này bao gồm những nội dung được hai bên nhất trí thoả thuận xử lý tất cả các khía cạnh của Brexit cũng như định hướng cho mối quan hệ giữa EU và nước Anh trong tương lai.
Hai phía đã dền dứ nhau đến cùng và đã dọa nhau đủ kiểu trước khi đi vào thoả hiệp với nhau. Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý vào hồi mùa hè năm 2016 - cho dù chỉ với đa số rất mong manh, cả chính phủ Anh lẫn EU đều không còn có thể ngăn cản Brexit hay đảo ngược Brexit nữa. Hai kịch bản được đặt ra tiếp theo là Brexit với thỏa thuận giữa hai bên về mọi phương diện quan hệ song phương còn cần phải xử lý và cần thiết cho tương lai hay là Brexit mà không có thoả thuận này. Cả hai phía đều muốn có kịch bản đầu và rất muốn tránh kịch bản sau. Với kết quả đàm phán như trên, hai bên đã đạt được mục tiêu này. Như thế có thể được coi là việc cần phải làm cho Brexit giữa EU và chính phủ Anh đã được hai bên thực hiện xong. Tiếp theo sẽ là quá trình phê chuẩn thoả thuận ở hai bên.
Ở phía EU, việc phê chuẩn này không hẳn dễ dàng nhưng không đến nỗi bất khả thi. EU sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao đặc biệt để chính thức chấp nhận thoả thuận nói trên. Sau đó sẽ là việc ký kết chính thức với chính phủ Anh. Cuối cùng sẽ là việc các thành viên EU phê chuẩn nó ở phạm vi quốc gia. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ thấy có chính phủ Tây Ban Nha thể hiện thái độ không đồng tình với Điều 184 của thoả thuận liên quan đến Gibraltar. Tây Ban Nha đòi EU phải thể hiện rõ ràng và cụ thể hơn là quy chế cho Gibraltar rồi đây sẽ được thương thảo giữa Tây Ban Nha và Anh. Cho dù chính phủ Tây Ban Nha doạ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ thoả thuận nói trên của EU với chính phủ Anh, phía EU chắc chắn rồi cũng sẽ xử lý được ổn thoả yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt này của Tây Ban Nha.
Nhưng ở phía Anh thì hiện mới thực sự bắt đầu giai đoạn khó khăn nhất của chuyện phê chuẩn. Chính phủ Anh của thủ tướng Theresa May tiến hành đàm phán với EU nhưng kết quả đàm phán phải được quốc hội phê duyệt. Trong quốc hội Anh hiện tại, Đảng Bảo thủ của bà May không có đủ đa số cần thiết mà cầm quyền dựa vào sự dung chấp của một đảng nhỏ. Những cửa ải mà bà May phải vượt qua để thoả thuận kia với EU được phê chuẩn lần lượt là: được nội các Anh thông qua, được Đảng Bảo thủ cầm quyền và đảng nhỏ liên minh không chính thức kia chấp thuận và cuối cùng được đa số dân biểu trong quốc hội đồng ý.
Hiện tại, chính phủ Anh đã thông qua thoả thuận. Nhưng ngay sau đó đã có 4 thành viên nội các của bà May từ chức vì không đồng tình, trong đó có vị bộ trưởng chuyên trách về Brexit. Đảng nhỏ nói trên không tán đồng và nội bộ Đảng Bảo thủ phân hoá sâu sắc. Trong Đảng Bảo thủ hiện đang có cuộc vận động để lật đổ bà May, thành lập chính phủ mới trên đảo quốc để tiến hành đàm phán lại với EU về Brexit. Tất cả những người không tán thành thoả thuận với EU và muốn bà May ra đi đều không chấp nhận thoả hiệp giữa EU và bà May về quy chế đặc biệt cho Bắc Ireland và về thời kỳ quá độ của việc nước Anh ra khỏi EU không được giới hạn cụ thể. Họ quy kết bà May gây tổn hại chủ quyền quốc gia cho nước Anh và để cho nước Anh tuy ra khỏi EU mà vẫn lệ thuộc gần như vô thời hạn vào EU.
Chuyện Brexit hiện chưa được ổn và chưa thể xong. Bà May khó khăn thì EU cũng khó xử. Vì thế, EU sẽ có nhượng bộ thêm để cứu bà May không bị lật đổ ở Anh. Vì thế, bà May giờ phải chèo chống như có thể được và đến cùng, phải còn nước còn tát và còn thời gian còn cố vớt vát./.