Bí hiểm rợn người trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Fakhrizadeh

Tình hình Trung Đông đang đứng trước thách thức mới sau khi nhà khoa học hạt nhân Iran Fakhrizadeh bị ám sát trước sự bất lực của phản gián Iran.

 

Vụ việc gây tổn hại lớn cho Iran trên nhiều phương diện...

Ngày 27/11/2020, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran - Mohsen Fakhrizadeh, đã bị ám sát ở ngoại ô thủ đô Tehran. Chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ ám sát nhưng Iran đã cáo buộc cơ quan tình báo Israel đứng đằng sau hành động này. Tình hình Trung Đông cũng trở nên căng thẳng với nguy cơ nổ ra một cuộc đối đầu quân sự mới giữa một bên là Iran và đồng minh với một bên là Mỹ và Iran – những điều có thể gây khó khăn cho ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden trong hoạt động ngoại giao một khi ông chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Mohsen Fakhrizadeh từng là tướng trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, giảng viên vật lý tại Đại học Imam Hossein. Ông là một trong các nhà khoa học cao cấp trong chương trình hạt nhân đa lớp của Iran. Một số người coi ông là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran.

Ở Iran, Fakhrizadeh có tầm vóc tương tự như tướng Qassem Soleimani, người đã bị phi cơ không người lái Mỹ hạ sát vào đầu năm 2020.

Ai đã sát hại Fakhrizadeh?

Hiện có một số báo cáo khác nhau trên truyền thông của Iran về cách thức Fakhrizadeh bị ám sát. Nội dung chung là: Ông này đi bằng ô tô của mình, có 2 xe vệ sĩ hộ tống. Xe ông bị một nhóm tay súng chặn lại trên đường sau khi đi vào khu vực Aabsard gần Tehran vào khoảng 14h30 chiều ngày 27/11 (giờ Iran) và sau đó các tay súng xả đạn vào ông này. Sau đó một chiếc xe bán tải chứa thuốc nổ (che đậy bằng gỗ) đi qua xe ô tô của nhà khoa học và phát nổ khiến vệ sĩ Hamed Asghari thiệt mạng còn Fakhrizadeh bị thương. Nhà khoa học được đưa vào viện nhưng đã không qua khỏi.

Trong khi đó, theo kênh truyền hình Israel “i24news” thì Fakhrizadeh đã bị bắn bằng một khẩu súng máy điều khiển từ xa gắn trong một chiếc ô tô trên đường và chiếc xe này đã tự nổ sau đó để hủy tang chứng. Tất cả diễn ra chỉ trong khoảng 3 phút.

Đáng lưu ý, Fakhrizadeh từng thoát chết trong một vụ mưu sát vào năm 2008 khi những kẻ tấn công đi xe máy gắn một thiết bị nổ vào ô tô của ông. Fakhrizadeh kịp thoát ra khỏi ô tô ngay trước khi chiếc xe nổ tung.

Fakhrizadeh là một trong những yếu nhân được bảo vệ nghiêm ngặt của Iran nhưng cuối cùng đối phương vẫn tìm được sơ hở để ra tay hành động kết liễu cuộc đời của ông.

Trên mạng xã hội, nhiều người Iran bày tỏ thất vọng về việc các cơ quan an ninh - tình báo của Iran đã để cho đối phương dễ dàng trừ khử một yếu nhân của nước này ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Ai đứng sau vụ sát hại?

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 1747 vào ngày 24/3/2007 với nội dung đóng băng tài sản của Fakhrizadeh và hạn chế đi lại đối với ông, do sự liên quan của ông trong chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran.

Fakhrizadeh cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Anh vì ông góp phần quan trọng thúc đẩy chương trình hạt nhân của Iran.

Chính quyền Israel cho tới nay đã giữ im lặng trước vụ ám sát này. Bộ trưởng Định cư Israel Tzachi Hanegbi nói rằng ông không thấy “đầu mối nào” về việc ai đứng đằng sau vụ sát hại.

Tuy nhiên hồi năm 2018, trong một phần thuyết trình về hoạt động hạt nhân của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc tới Fakhrizadeh và nói một cách bí hiểm với cánh phóng viên rằng “hãy nhớ tên ông ta”.

Trong khi đó giới chức Iran gần như nhất tề lên án Israel và hứa sẽ đáp trả cứng rắn.

Bản thân Jeremy Ben-Ami, chủ tịch của tổ chức J Street thân Israel có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) cũng cho rằng vụ ám sát này là nhằm kích động đối đầu quân sự và chấm dứt cơ hội ngoại giao giữa Mỹ và Iran.

Vụ ám sát diễn ra vào thời điểm nhạy cảm chỉ còn chưa đến 50 ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được đồn đoán có khả năng phát động chiến tranh nhằm vào Iran để ủng hộ Israel và “giữ lại ghế tổng thống”.

Mang quan tài của nhà khoa học hạt nhân Iran Fakhrizadeh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran.Phản ứng của quốc tế

Nhìn chung cộng đồng quốc tế phản đối vụ ám sát và thể hiện sự đoàn kết với Iran vào lúc này.

Liên Hợp Quốc đã lên án vụ ám sát, nhấn mạnh sự cần thiết kiềm chế và tránh bất cứ “hành động nào có thể dẫn tới leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Người phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên án vụ ám sát và chia buồn với gia đình nạn nhân. Tuyên bố của Borrell cũng kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh, thực hành kiềm chế tối đa nhằm tránh làm leo thang căng thẳng.

Trong khi đó ông John Brennan – cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ướng Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống Obama, đã gọi vụ sát hại trên là “một hành vi tội phạm và liều lĩnh” có thể “tạo ra sự trả đũa chết người và một làn sóng xung đột khu vực mới’. Ông này cũng khuyên Iran thực hiện kiềm chế.

Vụ ám sát có thể gây xáo trộn chính trường Iran?

Khi các nhân vật nổi bật của Iran bị ám sát như thế này, tại Iran thường có các cuộc biểu tình phản đối các thế lực nước ngoài, giống như sau vụ tướng Iran Soleimani bị quân đội Mỹ ám sát bằng máy bay không người lái.

Nhưng lần này, mũi nhọn của các cuộc biểu tình dường như được chĩa vào chính quyền ôn hòa của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người đang tìm cách tiếp cận ứng viên tổng thống Mỹ Biden – nhân vật có khả năng cao sẽ chính thức trở thành tổng thống Mỹ vào đầu năm 2021, nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Những người biểu tình đã chế giễu thỏa thuận trên và kêu gọi trục xuất các thành sát viên IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) khỏi Iran – những người này bị họ gọi là các “gián điệp”...

Những người biểu tình Iran đang chuyển sự chỉ trích từ chỗ nhằm vào Israel sang nhằm vào Tổng thống Rouhani. Họ tuyên bố chính quyền của ông Rouhani quá mềm yếu với phương Tây, và hợp tác với IAEA là trên mức cần thiết.

Nhưng những người này đã cố tình lờ đi thực tế là trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2012, bốn nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng khác của Iran đã bị ám sát tương tự, khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nắm quyền tại Iran và thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các hoạt động làm giàu urani của nước này.

Nhưng không có người biểu tình nào hiện nay (chống lại ông Rouhani) xuống đường vào thời kỳ đó để phản đối chính quyền Tổng thống Ahmadinejad vì đã không bảo vệ được 4 nhà khoa học hạt nhân nói trên./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch

Nguồn: Asia Times, i24news

 

Bình luận

    Chưa có bình luận