Các đồng minh được xem như một trong những tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ, giúp đem lại sự ổn định địa chính trị, phát triển kinh tế và gia tăng giá trị con người trên khắp thế giới trong suốt hơn 75 năm qua. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, tài sản này chịu những tác động đáng kể. Bằng việc tái đầu tư vào các mối quan hệ này cùng cách tiếp cận khiêm nhường và có hệ thống hơn, chính quyền Joe Biden có thể giải quyết những thách thức và khủng hoảng nghiêm trọng nhất hiện nay cũng như trong tương lai khi xây dựng một trật tự mới trong hàng thập kỷ tới.
2021 sẽ là năm bản lề cho trật tự quốc tế khi thế giới bắt đầu phục hồi từ sau đại dịch Covid-19 và cũng như sau một giai đoạn đầy bất đồng về chủ nghĩa dân tộc và dân túy đậm nét dưới thời chính quyền Donald Trump.
Nhưng thay vì nổi lên với vai trò dẫn đầu sau giai đoạn khó khăn như năm 1945 hay năm 1989, nước Mỹ hiện nay sẽ phải đối diện với thế giới khi mà danh tiếng quốc tế đã suy giảm, nền chính trị phân cực sâu sắc. Do đó, chính quyền Biden được dự đoán sẽ gặp không ít thách thức.
Dù vậy, phần lớn thế giới vẫn đang chờ đợi sự trở lại của nước Mỹ và Tổng thống đắc cử Joe Biden có một cơ hội lịch sử để tái định hình trật tự toàn cầu.
Theo ông Ash Jain, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Hội đồng Atlantic và từng là thành viên ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng chính quyền Biden cần một cách tiếp cận mới về vai trò của nước Mỹ trên thế giới.
Ông Biden thường nói về việc khôi phục hợp tác với các đồng minh của Mỹ. Để có thể thúc đẩy những giá trị và lợi ích cốt lõi của Mỹ, chính quyền mới cần phải hiện thực hóa những tuyên bố của mình để tạo nên mối quan hệ thực sự với việc đặt các đồng minh ở trọng tâm chính sách đối ngoại Mỹ.
Cơ hội của Biden
Thế giới – mà nước Mỹ là một phần trong đó – đã có nhiều thay đổi so với hàng thập kỷ trước. Đại dịch làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu - vốn đã chịu sức ép bởi sự bất công và chênh lệch giàu nghèo – và đang đặt gánh nặng lên tầng lớp lao động trên thế giới. Biến đổi khí hậu đang bên bờ vực trở thành vấn đề không thể đảo ngược. Các đối thủ của Mỹ như Nga hay Trung Quốc đang giành lợi thế trong cuộc đua về các công nghệ tiên tiến.
Với sự “quay lưng” của Mỹ, các đồng minh đã đi theo con đường riêng của mình bằng cách triển khai và ủng hộ các sáng kiến đa phương vốn được dự đoán là thất bại nếu không có Mỹ.
Đức và Pháp đã triển khai một Liên minh chủ nghĩa đa phương để ủng hộ một trật tự dựa trên các luật lệ, trong khi Australia và Nhật Bản cùng 9 nước khác đã ký thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương mà không có Mỹ.
Các đồng minh châu Âu vẫn tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran và gần như mọi quốc gia khác trên thế giới vẫn cam kết với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cho dù Mỹ rút khỏi. Bên cạnh đó, Pháp cũng khơi lại các cuộc đối thoại về một Châu Âu tự lực mà không cần Mỹ.
Dù vậy, Mỹ vẫn là nước có nền kinh tế và quân đội mạnh nhất thế giới và các đồng minh vẫn cần sự ủng hộ của Mỹ. Châu Âu lo ngại những mối đe dọa, những thách thức từ Nga và Trung Quốc. Ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mối đe dọa từ Bắc Kinh là không hề nhỏ và các đồng minh vẫn mong muốn có sự hợp tác của Mỹ.
Mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ có thể được xem như một lực lượng đa tầng giúp thúc đẩy các lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới – và mạng lưới này giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết đối với nước Mỹ.
Câu hỏi cho chính quyền sắp tới là làm thế nào để tận dụng sức mạnh và ảnh hưởng một cách thành công và hiệu quả nhất.
Mọi chuyện không chỉ đơn giản là chính quyền Biden đưa nước Mỹ trở lại vị thế dẫn đầu trong mọi vấn đề và các đồng minh sẽ theo sau. Thay vào đó, thách thức của Biden là xây dựng một mô hình mới cho sự lãnh đạo của Mỹ - một nước đối xử với các đồng minh một cách công bằng, coi họ là các đối tác trong việc định hình lại một trật tự có thể phản ánh được các lợi ích và ý tưởng chung.
Xây dựng D10 mới
Một trọng tâm trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ là việc mở rộng G7 thành D10, với sự tham gia của các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương chủ chốt như Australia, Hàn Quốc và có thể cả Ấn Độ. (D10 – viết tắt của Democracy 10, gồm 7 nước G7 cộng thêm Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ-ND)
Với D10, Mỹ có thể dẫn đầu các phản ứng trước đại dịch Covid-19, trong đó có cả việc phân bổ và phân phối vaccine, hay sự chuẩn bị cho các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, đây cũng là một tổ chức đa phương mà Mỹ có thể củng cố những sáng kiến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, lượng tử máy tính, kỹ thuật gien, 5G hay robot.
D10 cũng có thể đem lại một kênh thiết yếu để tái xây dựng những cam kết với thương mại toàn cầu và một chương trình nghị sự kinh tế đặt người lao động, chứ không phải các tập đoàn, vào tâm điểm bảo vệ; các quy tắc đầu tư và thương mại có tiêu chuẩn cao và công bằng, nỗ lực tăng trưởng kinh tế xanh, liên kết các chính sách và định hướng vào chống biến đổi khí hậu.
Quan trọng hơn cả, D10 có thể giúp Mỹ liên kết với chiến lược của các nước thành viên nhằm giải quyết những thách thức từ Nga và Trung Quốc.
NATO và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Cho dù nước Mỹ đi tiên phong trong cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy quan điểm mục đích chung, chính quyền Biden vẫn sẽ phải khôi phục cam kết với các đồng minh thông qua các thực thể hiện có, như NATO và Quad ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Có lẽ ông Biden cần phải khôi phục lại những cam kết của Mỹ với NATO bằng cách thúc đẩy một khái nhiệm chiến lược mới cho kỷ nguyên hậu Covid-19, các biện pháp tích cực nhằm kiềm chế Nga, Trung Quốc hay đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời quan tâm nhiều hơn tới các mối đe dọa phi truyền thống như trí tuệ nhân tạo, tin giả và an ninh môi trường.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần thúc đẩy Bộ tứ kim cương Quad ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thể hiện cam kết trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác với các đồng minh và đối tác châu Á.
Được Nhật Bản khởi xướng năm 2007, Quad đưa Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ lại với nhau. Nhóm này gần đây đã bắt đầu các cuộc gặp cấp ngoại trưởng để tham vấn thường xuyên về các thách thức an ninh, trong đó có Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng, một cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Quad càng sớm càng tốt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ càng khẳng định tầm quan trọng của nhóm này đối với Mỹ.
Tăng cường tham vấn với các đồng minh
Việc làm mới lại các liên minh của Mỹ sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn chứ không phải chỉ là thay đổi quan điểm theo hướng thân thiện hơn.
Theo nhà nghiên cứu Hội đồng Atlantic Ash Jain, Mỹ phải có cách tiếp cận khiêm nhường và lắng nghe hơn với các đồng minh, để thể hiện thiện chí và thu hút sự phối hợp của họ, chứ không đơn thuần chỉ là tham vấn mang tính chiếu lệ.
Quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia của ông Biden cũng cần cân nhắc nhiều hơn đến quan điểm của các đồng minh, đặc biệt là qua các thể chế đa phương. Điều này không chỉ là để cho các đồng minh quyền phản đối chính sách của Mỹ mà họ nhận thấy không phù hợp, mà còn nhằm hình thành cơ chế xem xét các quan điểm của đồng minh để đưa ra quyết định chung.
Để làm được điều này, ông Biden sẽ cần một quan chức chính quyền cấp cao, có thể là cấp thứ trưởng, để điều phối các cam kết đa phương của Mỹ với các đồng minh, trong đó có thông qua D10.
Việc ông Biden theo đuổi mối quan hệ sâu sắc hơn với các đồng minh không đồng nghĩa với việc quay lưng với các tổ chức quốc tế, đa phương. Ngược lại, việc hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh sẽ giúp Mỹ củng cố thêm sự ủng hộ trong các tổ chức này, từ đó có thể thúc đẩy các ưu tiên chính sách Mỹ trên trường quốc tế thông qua Liên Hợp Quốc, G20, OECD và các tổ chức đa phương khác.
Dù vậy, những yếu tố kể trên không phải là công thức cho một thế giới bị phân cực mới. Ông Biden cũng cần phải hợp tác với các nước khác, trong đó có cả đối thủ chiến lược như Trung Quốc hay Nga, để giải quyết những bất đồng dựa trên quy tắc của hệ thống quốc tế./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo National Interest