Hội nghị thượng đỉnh EU: Tìm tiếng nói chung về kế hoạch ngân sách 2021

Với các diễn biến hiện nay, khả năng Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng của EU lần này thông qua được ngân sách 2021-2027 là rất khó.

 

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu - EU họp Thượng đỉnh cuối cùng của năm 2020 trong hai ngày 10 và 11/12 tại Brussels, Bỉ. Ở thời điểm hiện tại, hai chủ đề sẽ được thảo luận tại Thượng đỉnh thu hút sự quan tâm lớn nhất của truyền thông và dư luận châu Âu là về việc liệu EU và Anh có ký được thỏa thuận hậu Brexit hay không, và về mâu thuẫn giữa Ba Lan, Hungary với các nước còn lại trong việc thông qua ngân sách 2021 - 2027 và gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro.

Đến thời điểm này, quan điểm của hai nước Ba Lan và Hungary vẫn không thay đổi. Phát biểu đầu tuần này, cả hai chính phủ Ba Lan lẫn Hungary đều cho biết họ vẫn giữ nguyên ý định bỏ phiếu phủ quyết ngân sách 2021 - 2027 của EU nếu Ủy ban châu Âu không rút lại ý định gắn việc phân bổ ngân sách với việc tuân thủ các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Trước sự cứng rắn của Ba Lan và Hungary, đang có hai cách phản ứng từ các nước thành viên khác của EU. Một mặt là nỗ lực thuyết phục Ba Lan và Hungary thay đổi quan điểm hoặc chấp nhận các phương án nhượng bộ. Hiện nước Đức, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của EU, đang nỗ lực vận động Ba Lan và Hungary vì không muốn có sự đổ vỡ trong nội bộ liên minh.

Ảnh minh họa: Globsec.Tuy nhiên, đa số các nước thành viên khác của EU đều tuyên bố công khai ý định loại Ba Lan và Hungary ra khỏi kế hoạch phân bổ ngân sách sắp tới, tức sẽ lập một cơ chế chỉ có 25 nước tham gia. Ủy viên châu Âu phụ trách ngân sách Johannes Hahn cho rằng Ba Lan và Hungary “không thể ngăn cản việc trợ giúp công dân các nước khác”. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp là Clement Beaune thì đe dọa nếu từ nay đến tháng 1/2021, các nước Ba Lan và Hungary không chấp nhận nguyên tắc do Ủy ban châu Âu đề ra thì ngay đầu năm 2021, châu Âu sẽ phân bổ nguồn tiền từ gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro mà không có 2 nước này. Giới phân tích đánh giá, nếu điều này diễn ra thì Ba Lan và Hungary sẽ phải hứng chịu các tổn thất tài chính khổng lồ lên tới 180 tỷ euro trong những năm tới.

Với các diễn biến hiện nay, khả năng Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này thông qua được ngân sách 2021-2027 là rất khó.

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn với toàn thế giới khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Là tâm điểm của đại dịch trong giai đoạn đầu năm và cuối năm 2020 nên châu Âu càng gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, các thách thức mà châu Âu phải đối mặt trong thời gian này đều là các thách thức mang tính thời đại, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của khối này và vì thế, khi phải xử lý các thách thức này đương nhiên sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa các nước.

Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất với châu Âu có lẽ đã đi qua và châu Âu cũng đã trưởng thành, vững vàng hơn sau đại dịch này. Việc các nước thống nhất tung ra gói phục hồi 750 tỷ euro là một cột mốc lịch sử bởi lần đầu tiên tất cả các nước EU đã thống nhất vay nợ chung, trả nợ chung để cùng nhau vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Đó là một bước tiến cực kỳ quan trọng trong tiến trình hội nhập châu Âu. Cộng thêm khoản ngân sách 2021 - 2027 lên tới khoảng 1,1 nghìn tỷ euro, châu Âu đã có một “kế hoạch Marshall” thứ hai trong lịch sử của mình, với khoảng 1,8 nghìn tỷ euro. Sự vững vàng hơn của châu Âu còn thể hiện ở việc khối này đang ngày càng chủ động và độc lập hơn trong đường lối đối ngoại và an ninh, khi phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc hay kể cả từ Mỹ. Ngay cả việc 25 nước EU sẵn sàng loại Ba Lan và Hungary ra khỏi cuộc chơi về ngân sách cũng cho thấy khối này đang ngày càng quyết đoán hơn trong việc thực thi chính sách. Những điều này có thể tạo nên ấn tượng ban đầu rằng châu Âu đang rạn nứt và đổ vỡ nhưng về lâu dài, nếu vượt qua được các thách thức hiện nay, châu Âu sẽ trở thành một khối vững mạnh và được tổ chức tốt hơn./.

Quang Dũng - VOV/Paris

 

Bình luận

    Chưa có bình luận