Giới chức Liên minh châu Âu (EU) và Anh đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit ngay trước đêm Giáng sinh, theo giờ địa phương, sau khi các nhà đàm phán 2 bên nhất trí về các vướng mắc cuối cùng liên quan tới quyền đánh bắt cá. Trước đó, một nguồn tin của Chính phủ Pháp tiết lộ Anh đã đưa ra những "nhượng bộ lớn", nhằm tránh viễn cảnh không thỏa thuận.
Thỏa thuận gần 2.000 trang với nhiều điều khoản phức tạp
Đến thời điểm hiện tại, chi tiết của thỏa thuận thương mại hậu Brexit vừa được EU và Anh ký kết chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các thông tin ban đầu, thỏa thuận này rất đồ sộ, dày từ 1.500 đến 2.000 trang, gồm rất nhiều điều khoản phức tạp. Theo kế hoạch, thỏa thuận này sẽ sớm được công bố trong 1-2 ngày tới để Nghị viện Anh cũng như chính phủ các nước EU nghiên cứu, đánh giá và phê chuẩn.
Về cơ bản, nội dung thỏa thuận có những điều đáng chú ý. Đầu tiên là về nghề cá, chủ đề gây mâu thuẫn lớn nhất và khiến EU –Anh phải đến phút chót mới đạt được thỏa thuận. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố trong buổi họp báo, phía EU sẽ nhượng lại 25% hạn ngạch đánh bắt cá trong vùng biển của Anh cho phía Anh, theo mức tăng dần trong vòng 5 năm rưỡi. Sau 5 năm rưỡi, hai bên sẽ thiết lập một thỏa thuận mới, mà nhiều khả năng sẽ là chấm dứt đặc quyền của các ngư dân châu Âu.
Đây thực chất là chủ đề mang tính biểu tượng bởi nghề cá tại Anh chỉ có giá trị khoảng 650 triệu euro, chỉ chiếm chưa đến 0,01% trao đổi thương mại trị giá 700 tỷ euro mỗi năm giữa Anh và EU. Tuy nhiên, phía Anh coi đây là vấn đề thể diện và biểu tượng cho việc nước Anh lấy lại chủ quyền.
Nội dung đáng chú ý thứ hai là biên giới. Kể từ ngày 1/1/2021, Anh vẫn giữ được nguyên quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu, tức sẽ hàng hóa từ Anh vào EU và ngược lại sẽ không chịu thuế hay hạn ngạch. Tuy nhiên, tại biên giới giữa Anh và EU sẽ tái lập các trạm hải quan để kiểm soát việc kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm hay kiểm dịch động, thực vật. Đây là lần đầu tiên các trạm hải quan được lập lại kể từ năm 1993 và có thể sẽ làm gia tăng chi phí cũng như thời gian cho hàng hóa hai bên thông quan.
Nội dung thứ 3 là cạnh tranh công bằng. EU và Anh cam kết duy trì các tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực môi trường, chống biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, minh bạch thuế và trợ cấp nhà nước. Đây là chủ đề EU xem là quan trọng nhất vì khối này không muốn Anh hạ thấp tiêu chuẩn để trở thành đối thủ cạnh tranh ngay cửa ngõ châu Âu. Tuy nhiên, so với yêu cầu ban đầu, EU không ép được phía Anh ký vào các cam kết mang tính ràng buộc pháp lý. Cụ thể, EU không đạt được cơ chế “cùng tiến – evolution clause”, tức buộc phía Anh phải tự động nâng tiêu chuẩn lên ngang bằng với EU nếu EU thay đổi tiêu chuẩn, nếu không sẽ bị trừng phạt. Hai bên chỉ đưa ra cơ chế cho phép 1 bên trừng phạt, bằng cách áp đặt thuế quan, nếu bên kia thay đổi quá nhiều tiêu chuẩn để tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc trừng phạt này không đơn giản vì phải thông qua một ủy ban độc lập.
Cuối cùng, thỏa thuận hậu Brexit cũng sẽ mang đến nhiều thay đổi quan trọng khác, như việc chấm dứt chương trình trao đổi sinh viên châu Âu Erasmus, khiến các sinh viên EU sang Anh học từ năm 2021 sẽ phải chịu mức học phí cao hơn. Anh cũng bị tước mất “hộ chiếu tài chính”, tức sẽ không được bán các sản phẩm tài chính tại các nước châu Âu với quyền lợi như các ngân hàng châu Âu.
Việc tự do lưu thông giữa Anh và EU sẽ chấm dứt từ ngày 1/1/2021. Các công dân EU muốn sang Anh làm việc sẽ phải vượt qua rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt về giấy tờ, cụ thể là phải có giấy phép lao động và một thị thực (visa) tính điểm.
Định hình quan hệ tương lai hậu Brexit
Các tác động của thỏa thuận hậu Brexit vừa đạt được đối với EU, và đặc biệt là Anh, sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể thấy rõ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là thỏa thuận này đã chấm dứt hơn 4 năm vô cùng sóng gió tại châu Âu, khép lại một trong các hồ sơ phức tạp và gây chia rẽ nhất của biến động địa chính trị lớn nhất tại châu Âu trong hơn 3 thập kỷ qua.
Trong những năm qua, những mâu thuẫn nghiêm trọng, dai dẳng trong các đàm phán giữa EU và Anh khiến cả hai bên tốn quá nhiều thời gian và nguồn lực. Nước Anh đã phải thay đến 3 thủ tướng vì Brexit trong khi EU gần như bị đóng băng toàn bộ các kế hoạch cải cách tham vọng của khối vì Brexit. Do đó, nói như Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier, việc đạt được thỏa thuận hậu Brexit là một sự giải thoát rất lớn với cả hai phía, khép lại hơn 4 năm vô cùng mệt mỏi. Cả EU lẫn Anh đều gần như cạn kiệt năng lượng vì các đàm phán Brexit vài năm qua, khi cả hai thỏa thuận cuối 2019 và cuối 2020 đều đã phá vỡ rất nhiều thời hạn chót mới có thể đạt được.
Thỏa thuận này cũng gạt bỏ được nguy cơ “Brexit không thỏa thuận” được đánh giá là vô cùng tồi tệ với nền kinh tế Anh, đặc biệt trong thời điểm này khi nước Anh đang gần như bị cô lập khỏi châu Âu vì sự xuất hiện của biến chủng của virus SARS-CoV-2. Hiện tại, hàng nghìn xe tải vẫn đang tắc nghẽn tại cảng Dover ở Anh, điểm qua đường hầm eo biển Manche. Do đó, nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận diễn ra thì đó sẽ là điều tồi tệ gấp đôi với nước Anh. Với EU, Vương quốc Anh là đối tác thương mại, an ninh, là đồng minh chính trị vô cùng quan trọng, và sự đổ vỡ quan hệ với Anh cũng có tác động nghiêm trọng với khối này.
Bảo vệ các lợi ích cốt lõi của 2 bên
Đây là thỏa thuận định hình mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh. Sau khi rời EU, Anh trở thành một quốc gia láng giềng ven biển độc lập với EU, nhưng lại có quan hệ vô cùng mật thiết về kinh tế, an ninh. Do đó, việc ổn định và phát triển được mối quan hệ đặc biệt này mang lại lợi ích cho cả hai phía. Sẽ cần có thời gian để đánh giá liệu thỏa thuận vừa đạt được có phải là tốt nhất cho cả EU và Anh hay không, nhưng như Thủ tướng CH Ireland có nhận định, đây là thỏa thuận ít tồi tệ nhất vào lúc này. Thỏa thuận này giúp hai bên tránh được sự đổ vỡ, gián đoạn trong quan hệ thương mại trị giá đến 700 tỷ euro mỗi năm.
Quan trọng nhất, cả EU và Anh đều tự nhận định là đã bảo vệ được các lợi ích cốt lõi của mình thông qua thỏa thuận này. EU nhận được sự cam kết chặt chẽ của Anh trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn cạnh tranh thương mại công bằng, tránh được nguy cơ đáng lo ngại nhất là Anh trở thành quốc gia phá giá hay một thiên đường thuế ngay cửa ngõ châu Âu, bảo vệ được lợi ích quan trọng nhất của EU là thị trường chung.
Anh cũng giữ nguyên được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và cũng sự độc lập, chủ quyền của mình trong việc xây dựng luật, kiểm soát biên giới, được tự do ký kết các hiệp định thương mại tự do khắp thế giới. Trong giai đoạn cả Anh và EU đang hứng chịu các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, thỏa thuận này là một điều tốt với cả hai phía./.
Quang Dũng/VOV-Paris