Cuộc đàm phán giữa EU và chính phủ Anh về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương cho thời kỳ sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit) kéo dài suốt cả năm 2020 nhưng ở thời kỳ cuối lại diễn ra rất mau lẹ và rất thành công. Ngay trước dịp Giáng sinh năm nay, hai bên đã đạt được thỏa thuận.
Sự chấp thuận ở phía các thành viên EU có được rất nhanh chóng để hai bên chính thức ký kết thoả thuận ngay cả trước Giao thừa chuyển từ năm cũ sang năm mới. Bắt đầu từ ngày 1/1/2021, thoả thuận này đã được hai bên để cho có hiệu lực tạm thời. Chuyện phê chuẩn chính thức nó ở hai phía vừa chỉ là hình thức và sẽ không phải chờ đợi lâu. Về cơ bản có thể nói, việc xử lý chuyện Brexit đã được cả hai phía hoàn tất.
Sau hơn 47 năm trong hàng ngũ các thành viên EU, nước Anh chia tay EU. Khởi đầu bằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh vào mùa hè năm 2016 về Brexit, đảo quốc này cần thời gian gần bốn năm rưỡi và đến tận ba thủ tướng chính phủ để xử lý dứt điểm chuyện Brexit. Hồi năm 2016, vì đa số rất mong manh cử tri Anh ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh mà thủ tướng Anh David Cameron phải từ chức. Vì không xử lý ổn thoả chuyện Brexit mà người kế nhiệm là bà Theresa May cũng phải ra đi. Vận may quyền lực đến với ông Boris Johnson và người này hoàn tất những công việc còn lại của chuyện Brexit.
Nước Anh ra khỏi EU nhưng ràng buộc với EU bằng thoả thuận vừa đạt được. Theo đó, trong quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư ở thời sau Brexit, nước Anh được EU đối xử về cơ bản không khác biệt gì so với ở thời là thành viên EU, tức là cho dù không còn là thành viên nữa của Liên minh thuế quan và thị trường nội địa chung của EU nhưng vẫn được EU đối xử ngang bằng các thành viên khác. Đấy là nhượng bộ lớn nhất và có ý nghĩa cơ bản nhất của EU đối với Anh. Thoả hiệp này của EU giúp phía ông Johnson giảm thiểu được mọi tác động, hậu quả và hệ luỵ tiêu cực của chuyện Brexit đối với kinh tế, thương mại và công ăn việc làm của nước Anh. Trên những phương diện còn lại, ông Johnson phải chấp nhận nhượng bộ EU nhiều hơn và gần như đáp ứng mọi yêu cầu của EU.
Ông Johnson ngợi ca thoả thuận này có ý nghĩa lịch sử khi nước Anh thu về chủ quyền quốc gia hoàn toàn nhưng ở vùng biên giới giữa Ireland (là thành viên EU) và Bắc Ireland (do nước Anh quản lý) vẫn thông thương cho con người và hàng hoá, dịch vụ như ở thời trước Brexit. Hay như ông Johnson đâu có đòi được EU phải giảm 60% mức hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển xung quanh nước Anh mà phải chấp nhận chỉ còn có 25%. Phía Anh phải cam kết với EU đảm bảo cho doanh nghiệp của EU được cạnh tranh thật sự công bằng và bình đẳng trên thị trường Anh. Ngay cả về cơ chế xử lý tranh chấp thương mại, phía EU cũng đã buộc phía Anh phải chấp nhận yêu cầu đặt ra.
Ai thắng thế và ai thất thế trong câu chuyện Brexit này vốn không là điều bí hiểm gì. Phía Anh muốn ra khỏi EU nhưng không hoàn toàn biệt lập với EU mà vẫn muốn tận lợi như có thể được từ tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục trong khuôn khổ EU. Phía EU không muốn nước Anh ly khai và khi không thể ngăn cản nước Anh ly khai thì vẫn chủ ý ràng buộc dưới hình thức nào đấy và với mức độ có thể được, bởi chỉ như vậy mới có thể ngăn cản khả năng có thành viên khác nữa của EU rồi đây đi theo lối đường của Anh. Vì thế, chuyện Brexit không phải là thành quả lịch sử đối với nước Anh như ông Johnson khai thác tác động dân tuý. Vì thế, phía EU cũng không thể vui, cho dù có thể thấy hài lòng và nhẹ nhõm vì vụ việc đã kết thúc. Những cuộc chia tay trước giao thừa thường là kết quả của lý trí và có thể thôi, chứ không nhất thiết là điềm lành đối với các bên liên quan trong năm mới./.
Hoàng Lan