Hòa giải ở vùng Vịnh

Diễn biến chính trị an ninh và cục diện quan hệ giữa các bên trong và ngoài khu vực bị tác động rất mạnh mẽ bởi sự hòa giải ở vùng Vịnh.

 

Sau Arab Saudi, lần lượt Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrain và Ai cập mở lại thông thương trên bộ, trên không và trên biển với Qatar, chấm dứt chính sách phong tỏa, cấm vận và cô lập Qatar áp dụng từ mùa hè năm 2017 đến nay.

Sự hòa giải này là kết quả của vai trò trung gian của Kuweit và của sự thôi thúc từ Mỹ, nhưng trước hết là bốn nước kia thấy rằng chính sách ấy của họ đã thất bại. Diễn biến tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ giữa các bên trong khu vực cùng với các đối tác của họ ở bên ngoài khu vực lại bị tác động rất mạnh mẽ bởi sự hòa giải này ở khu vực vùng Vịnh.

Ngày ngày 5/1, Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman đã đích thân ra tận cầu thang máy bay đón Quốc vương Qatar Tamim và hai người đã ôm hôn nhau thân thiết. (Ảnh: Reuteur)Qatar là thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Arab Saudi, Bahrain, Kuweit, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Oman. Tất cả 6 thành viên của GCC và Ai Cập đều là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ và đã hoặc sắp thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Ngoài Qatar và Kuweit, tất cả các nước nói trên cùng với Mỹ và Israel đều đối đầu với Iran và quan hệ trắc trở với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 5/6/2017, 4 nước là Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrain và Ai cập bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, tiến hành phong tỏa, cấm vận và trừng phạt Qatar với cáo buộc Qatar hậu thuẫn tổ chức Anh em Hồi giáo và duy trì quan hệ thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Họ đưa ra cho Qatar một tối hậu thư bao gồm 13 điều kiện mà Qatar phải đáp ứng thì mới khôi phục quan hệ ngoại giao và chấm dứt những biện pháp phong toả, cấm vận và trừng phạt Qatar. Trong những điều kiện ấy, đương nhiên có đòi hỏi Qatar chấm dứt sự ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Trên lãnh thổ Qatar có một căn cứ quân sự nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ và một căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Chuyện này đưa lại hai hệ lụy lớn về chính trị an ninh khu vực và đối với chiến lược của Mỹ đối địch Iran. Thứ nhất là nội bộ GCC bị phân rẽ thành phe chống Qatar, phe Qatar và những thành viên trung lập. GCC vì thế bị tê liệt hoàn toàn và chỉ còn hữu danh vô thực. Tổ chức này lại là một công cụ đắc dụng và vũ khí công hiệu được Arab Saudi sử dụng để tập hợp lực lượng và làm bàn đạp cho mưu tính vươn lên nắm giữ vai trò lãnh đạo trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo cũng như trở thành cường quốc khu vực trong sự ganh đua chiến lược với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai là Mỹ bị đẩy vào tình thế khó xử khi các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống đối đầu nhau như thế. Bên được lợi nhiều nhất là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Qatar bất chấp tối hậu thư của 4 nước kia và ứng phó thành công nhờ có tiềm lực tài chính dồi dào và xử lý khôn khéo mối quan hệ với các đối tác khác, đặc biệt với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. 4 nước kia phải chủ động hoà giải với Qatar bởi thấy rằng chính sách của họ đối với vương triều này đã thất bại và chỉ phản tác dụng khi đẩy Qatar càng xa về phía Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như không buộc Qatar phải đáp ứng những điều kiện nêu trong tối hậu thư. Họ phải chủ động và vội vàng với việc hòa giải này bởi ở nước Mỹ sắp có sự thay đổi tổng thống. Tổng thống mới của nước Mỹ Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ rồi đây sẽ không hoàn toàn như người tiền nhiệm trong chính sách của Mỹ đối với các đồng minh này trong khu vực, đối với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhu cầu tập hợp lực lượng cùng đối phó Iran bây giờ được ưu tiên cao hơn và cấp thiết hơn so với việc tiếp tục gây khó dễ cho Qatar và họ cần Qatar trong tập hợp lực lượng mới ấy. Họ tuy chưa thật sự muốn nhưng buộc phải hòa giải với Qatar./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận