Ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, Tân Tổng thống Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp (ngày 20/1) nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong đó có việc đưa Mỹ trở lại Hiệp ước khí hậu Paris hay dừng tiến trình rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới. Bước đi không chỉ cho thấy những ưu tiên của chính quyền mới trong giải quyết những vấn đề cấp bách của quốc gia hay đảo chiều các chính sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm, mà còn cho thấy quyết tâm của tân Tổng thống Mỹ khép lại một chương chia rẽ và khủng hoảng trong lịch sử nước Mỹ.
Ba sắc lệnh đầu tiên được tân Tổng thống Joe Biden cũng là 3 ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ của mình: một là bắt buộc đeo khẩu trang ở những cơ sở liên bang, hai là đảm bảo bình đẳng chủng tộc và ba là đưa nước Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cũng ký sắc lệnh thành lập đơn vị mới trong Nhà Trắng để điều phối chiến dịch chống Covid-19 hay tạm dừng tiến trình Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới.
Như một minh chứng cho cam kết coi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình, ngay trong ngày hôm qua, ông Joe Biden đã gửi lên Liên Hợp Quốc một bức thư khẳng định, Mỹ có thể trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong vòng 1 tháng tới.
Trong cuộc họp báo đầu tiên được tổ chức tại Nhà trắng, Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki nhấn mạnh, với tình hình đất nước hiện nay thì không có thời gian để lãng phí và cần bắt tay vào việc ngay lập tức.
“Mỹ tiếp tục là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Vì thế chúng ta cần ngay lập tức đưa ra các chính sách và thực hiện các bước đi thể giải quyết vấn đề này”, bà Psaki nói.
Quyết định tái tham gia Hiệp định Paris của ông Joe Biden đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của Liên minh châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen hi vọng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
“Bình minh mới này của nước Mỹ cũng là khoảnh khắc mà chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Châu Âu đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới với đối tác lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất, tập trung vào điểm mà chúng ta có thể cùng nhau hợp lực để thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu dựa trên các giá trị chung. Từ biến đổi khí hậu đến sức khỏe, từ số hóa đến dân chủ, đây là những thách thức toàn cầu cần được đổi mới và hợp tác toàn cầu”, bà Leyen bày tỏ.
Về chính sách nhập cư, ông Joe Biden cũng có quan điểm trái ngược với ông Donald Trump. Trong 4 năm qua, người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa đã luôn tìm cách biến cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp trở thành một điểm nhấn của nhiệm kỳ Tổng thống. Tuy nhiên, ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã ký sắc lệnh chấm dứt lệnh cấm đi lại của ông Donald Trump đối với một số quốc gia người dân đa số theo đạo Hồi. Ông đồng thời đình chỉ việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, vốn được tài trợ bằng ngân sách Bộ Quốc phòng và là nguồn gốc của những tranh cãi chính trị và tư pháp gay gắt tại Mỹ trong suốt 4 năm qua.
17 sắc lệnh được ký ngày 20/1 không chỉ đánh dấu một nhiệm kỳ tổng thống mới mà còn chất chứa trong đó niềm mong mỏi đưa nước Mỹ bước qua thời kỳ khủng hoảng và lấy lại hình ảnh một siêu cường. Trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ bị hoài nghi, cộng đồng thế giới cũng tin rằng, dưới sự chèo lái của tân Tổng thống Joe Biden, người ta sẽ thấy một nước Mỹ khác biệt so với 4 năm qua: một nước Mỹ lãnh đạo toàn cầu và áp dụng chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức chung./.
Theo VOV.VN