Trong bản cập nhật dịch tễ học mới nhất, WHO cho biết, biến thể virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào ngày 25/1, đã lan sang 70 quốc gia trên thế giới.
Biến chủng mang tên VOC 202012/01 hoặc B.1.1.7, được xem là dễ lây lan hơn các biến chủng trước đó của SARS-CoV-2. Theo WHO, chủng này đã lây lan sang 10 quốc gia khác trong tuần qua.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước cảnh báo, các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể khiến nhiều người tử vong hơn. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh hôm 27/1 rằng, “kết quả của những nghiên cứu đó là sơ bộ và cần có thêm phân tích để chứng thực thêm”.
Theo AFP, tất cả các chủng virus đều đột biến khi chúng nhân lên để thích nghi với môi trường xung quanh và các nhà khoa học đã theo dõi nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, chủng virus lần đầu được phát hiện ở Nam Phi hồi tháng 10/2020 có tên 501.V2. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, biến thể này đã lan rộng đến 31 quốc gia.
Biến thể 501.V2 làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái nhiễm cao và có thể cản trở hiệu quả của hàng loạt vaccine ngừa Covid-19.
WHO cho biết, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, nhưng nhấn mạnh rằng các nghiên cứu ở Nam Phi không chỉ ra nguy cơ tái nhiễm cao đối với biến thể này.
Ngoài ra, WHO cho biết một biến thể thứ ba của virus SARS-CoV-2 mang tên P1, lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil, hiện đã lan ra 8 quốc gia. Biến chủng này cũng gây ra mối lo ngại tương tự khi bị cho là dễ lây lan và gây ra tình trạng bệnh nặng hơn so với các chủng trước đó.
“Cần có các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá xem có những thay đổi nào về khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng hoặc hoạt động trung hòa kháng thể có phải do các biến thể mới của SARS-CoV-2 gây ra hay không”, WHO cho biết./.
CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo AFP