Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định tại Thượng đỉnh trực tuyến khối này rằng EU sẽ không cho phép các hãng dược phẩm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất tại châu Âu ra bên ngoài khối nếu chưa hoàn tất các hợp đồng cung cấp vaccine cho các nước EU.
Trong tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp báo sau ngày họp đầu tiên của hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU hôm 25/2, bà Ursula von der Leyen cảnh báo, Ủy ban châu Âu sẽ theo dõi kỹ những công ty dược phẩm nào xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất tại châu Âu. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu khẳng định, động thái này không nhằm vào quốc gia nào nhưng châu Âu cần biết liệu các công ty dược phẩm xuất khẩu vaccine kia đã hoàn tất hợp đồng cung cấp vaccine cho châu Âu hay chưa.
Trước đó, theo các nguồn tin ngoại giao, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 27 nước thành viên EU, bà Ursula von der Leyen cũng đã cam kết sẽ sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu để ngăn cản các công ty dược phẩm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất tại châu Âu. Cơ chế này được cho là đặc biệt nhằm vào công ty dược phẩm AstraZeneca, vốn đang bị EU chỉ trích là chậm trễ và giao hàng không đúng hợp đồng đã cam kết với EU.
Liên minh châu Âu đang đứng trước sức ép lớn về việc phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine tại các nước thành viên khi mới chỉ có khoảng 8% dân số và 6,4% số người trưởng thành được tiêm vaccine ngừa Covid-19, ít hơn nhiều con số 27% của Anh. Nguyên nhân của sự chậm trễ này được cho là vì thiếu nguồn cung từ các hãng dược phẩm. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây cho biết có đến 4/5 số liều vaccine mà AstraZeneca cung cấp cho EU chưa được sử dụng.
Ngoài việc đẩy nhanh tiêm vaccine, các lãnh đạo EU cũng đã đưa ra nhiều quyết định khác liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19, theo đó tiếp tục duy trì các hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới, đẩy mạnh nghiên cứu các biến thể virus và cam kết cung cấp tài chính cho sáng kiến chia sẻ vaccine của WHO (Covax).
Đối với chủ đề “hộ chiếu vaccine” đang tạo ra nhiều tranh cãi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, còn nhiều khúc mắc mà các nước EU cần phải giải quyết nhưng nếu muốn có một chứng nhận tương tự được sử dụng rộng rãi, khối này cần ít nhất 3 tháng để chuẩn bị.
“Về vấn đề giấy chứng nhận vaccine, chúng tôi cũng đã thảo luận và có một số câu hỏi còn để ngỏ. Về mặt chính trị, trước hết phải xem chứng nhận này sẽ sử dụng để làm gì. Về mặt kỹ thuật, cũng còn một số điểm chưa rõ ràng về việc liệu một người đã tiêm vaccine có thể truyền bệnh hay không? Hiện nay chúng tôi nhận được các số liệu nhiều hứa hẹn từ Israel. Vì thế, việc có thể làm gì với chứng nhận vaccine này sẽ do mỗi quốc gia tự quyết định, nhưng ở cấp độ châu Âu, chúng tôi tin rằng nên sử dụng chứng nhận này để bảo đảm sự hoạt động của thị trường đơn nhất châu Âu”./.
Theo VOV.VN