Các nghị sĩ từ lưỡng đảng Mỹ đang gây sức ép với chính quyền Tổng thống Biden nhằm thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi một báo cáo bắt buộc trình quốc hội công bố hồi tháng trước chỉ đưa 1 tàu của Nga là Fortuna vào danh sách trừng phạt.
Bộ Tài chính Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra bình luận. Nhà Trắng dẫn thông báo từ Ngoại trưởng Antony Blinken cho hay chính quyền Mỹ đang theo dõi sát sao những bên đang nỗ lực hoàn thành đường ống này, cũng như các công ty liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc.
"Đạo luật trừng phạt mà Quốc hội thông qua năm 2019 và mở rộng năm 2020 đã nhận được sự ủng hộ đáng kể của đa số thành viên trong Quốc hội từ lưỡng đảng. Chính quyền Tổng thống Biden cam kết sẽ tuân thủ đạo luật này. Bộ Ngoại giao nhắc lại cảnh báo rằng bất kỳ thực thể nào liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 đều có nguy cơ đối mặt các lệnh trừng phạt của Mỹ và cần ngay lập tức từ bỏ việc thi công đường ống này".
Tổng thống Biden cho biết chính quyền Mỹ sẽ xem xét trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG một cách "rất cẩn trọng" trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào tuần trước.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: “Nhiều cơ quan trong chính phủ Mỹ đều hiểu rõ rằng đường ống này là một dự án địa - chính trị của Nga nhằm chia rẽ châu Âu và làm suy yếu an ninh năng lượng châu Âu".
Dù vậy, các quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt không dễ dàng như những gì các nghị sĩ đảng Cộng hòa nghĩ bởi việc chứng minh sự vi phạm của các bên tham gia dự án không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chính phủ Mỹ cũng sẽ phải quyết định liệu việc trừng phạt các thực thể của Đức có đáng với những hệ quả chính trị mà động thái này tạo ra hay không khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ mạnh mẽ dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, dự án này sẽ gia tăng ảnh hưởng của Nga với Đức và các đồng minh NATO khác./.
Theo VOV.VN