Găng nhau không nương nể

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ thời tổng thống Joe Biden báo hiệu thời kỳ rất trắc trở trong cặp quan hệ song phương này.

 

Với những gì đã làm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi có chính quyền mới ở Mỹ, tân tổng thống nước này Joe Biden và cộng sự đã cho thấy phía Mỹ ở thời chính quyền mới không những không thay đổi định hướng chính sách của chính quyền cũ đối với Trung Quốc mà còn cứng rắn, quyết liệt và gay gắt hơn. Mọi dấu hiệu đến nay đều báo hiệu phía trước là thời kỳ rất trắc trở trong cặp quan hệ song phương này.

Bằng chứng mới nhất và xác thực nhất cho thực trạng và triển vọng ấy là cuộc gặp cấp cao trực tiếp vừa rồi giữa hai bên ở Anchorage (bang Alaska của nước Mỹ). Trước đấy, giữa hai bên mới chỉ có cuộc điện đàm giữa ông Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai người này trao đổi qua điện thoại với nhau gần 2 giờ, nhưng ông Biden không chủ động sớm tiến hành cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình. Trong mọi phát biểu công khai của ông Biden và cộng sự về chính sách đối ngoại, an ninh và quân sự của chính quyền mới ở Mỹ đều đề cập đến Trung Quốc là thách thức mà Mỹ phải ứng phó, nguy cơ mà Mỹ phải đẩy lùi, đối tác mà Mỹ tuy vẫn phải hợp tác nhưng đối đầu và xung khắc lợi ích là nhân tố chủ đạo. Ông Biden và cộng sự không giấu giếm chủ ý và nỗ lực tập hợp đồng minh và đối tác trên thế giới để cùng đối phó Trung Quốc như ở châu Âu với EU và NATO, ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Điều tác động tiêu cực nhất tới triển vọng của cặp quan hệ song phương này là phía Mỹ đã mở rộng mối bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích sang cả những lĩnh vực nhạy cảm và khó xử nhất đối với phía Trung Quốc... (Ảnh: KT)Nhưng đỉnh cao của bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích là cuộc gặp vừa rồi ở Anchorage. Cuộc gặp này diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Chỉ riêng có cuộc gặp này đã là điều hàm chứa ý nghĩa quan trọng và tích cực đối với mối quan hệ giữa hai nước và đấy cũng là một trong hai kết quả quan trọng nhất của sự kiện. Trong bối cảnh tình hình quan hệ song phương như thế, không bên nào có ảo tưởng là cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân thiện và xây dựng cũng như có thể đạt được kết quả giúp tạo nên sự khởi đầu mới cho cặp quan hệ song phương này nhân dịp ở Mỹ có sự thay đổi chính phủ. Trên thực tế, cuộc gặp này chẳng khác gì một cuộc đấu mà hai bên chẳng hề nương tay về mức độ và nể nang thể diện lẫn nhau. Dù vậy, việc bên này thẳng thừng nói rõ quan điểm chính sách của mình về phía bên kia cũng có thể được coi là kết quả thứ hai của cuộc gặp. Hai bên rất cần làm việc ấy để quản trị và kiểm soát diễn biến tình hình quan hệ song phương trong thời kỳ tới.

Mỹ và Trung Quốc hiện đều theo phương sách "lấy cương chế cương" bởi phía Mỹ ý thức được rằng nếu không đối phó thật sự quyết liệt với Trung Quốc ngay từ bây giờ thì rồi đây sẽ quá muộn và sẽ thua Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Phía Trung Quốc nhận thức được rằng nếu không ăn miếng trả miếng Mỹ đủ mức thì sẽ còn bị phía Mỹ lấn lướt nữa.

Điều tác động tiêu cực nhất tới triển vọng của cặp quan hệ song phương này là phía Mỹ đã mở rộng mối bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích sang cả những lĩnh vực nhạy cảm và khó xử nhất đối với phía Trung Quốc là dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền, Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương, trong khi xung khắc thương mại vẫn duy trì và  chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và khu vực Biển Đông không hề thay đổi. Đấy chính là một trong những biểu hiện của sự cọ sát và đối kháng cả về ý thức hệ giữa hai bên. Qua đó có thể thấy chính quyền mới ở Mỹ chủ ý còn đi xa hơn và mức độ quyết liệt hơn chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng cứng rắn với chính quyền mới hơn với chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận