Trong cuộc họp báo đầu tiên với vai trò là Tổng thống, ông Biden đã bảo vệ mạnh mẽ sự phản ứng của chính quyền ông với làn sóng di cư ở biên giới phía nam cũng như cho thấy ông có thể sẽ cởi mở với việc loại bỏ thủ tục tranh luận không giới hạn tại Thượng viện (filibuster), vốn đang đe dọa đến các chương trình lập pháp của ông.
Tổng thống Biden, nguời đã chờ đợi lâu hơn những người tiền nhiệm để tiến hành cuộc họp báo chính thức đầu tiên, khẳng định rằng ông "chưa thể hình dung" được việc duy trì bao nhiêu quân Mỹ ở Afghanistan vào năm tới, đồng thời xác nhận ý định sẽ ra tái tranh cử vào năm 2024.
Cuộc họp báo đầu tiên của ông Biden chủ yếu tập trung vào chính sách nhập cư, các kế hoạch chính trị tương lai và chính sách đối ngoại. Đáng chú ý, ông Biden không được hỏi nhiều về vấn đề đại dịch Covid-19.
Dưới đây là một số điểm nhấn trong cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Biden:
Gấp đôi mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19
Ngay từ mở đầu cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã đặt mục tiêu mới với 200 triệu lượt tiêm chủng vaccine Covid-19 trong 100 ngày nhậm chức của ông. Ban đầu, Tổng thống có kế hoạch đặt mục tiêu 100 triệu lượt tiêm vaccine trong khung thời gian trên nhưng Mỹ đã vượt dấu mốc này vào tuần trước.
Tính đến ngày 25/3, Mỹ đã tiến hành 133 triệu lượt tiêm vaccine Covid-19. Với tiến độ này, ông Biden có thể hoàn thành mục tiêu mới vào 30/4, ngày thứ 100 ông nhậm chức.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cho biết, hơn 100 triệu chi phiếu trợ giúp trị giá 1.400 USD đã được gửi đi. Khoản trợ cấp trên nằm trong gói cứu trợ ứng phó với Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống đã ký thông qua vào tháng này.
"Hàng triệu người nữa cũng sẽ sớm nhận được tiền", ông Biden cho hay.
Vấn đề biên giới
Tổng thống Biden đã nhận được hàng loạt câu hỏi về làn sóng nhập cư ở biên giới phía nam cũng như mức độ của cuộc khủng hoảng nhân đạo này và vấn đề chính trị gây tranh cãi mà ông phải đối mặt chỉ 65 ngày sau khi nhậm chức.
Ông Biden đã thể hiện sự giận dữ khi một vài lần đối mặt với các câu hỏi của phóng viên, chẳng hạn như liệu chính quyền của ông có phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này không, hay liệu các điều kiện sống của những đứa trẻ nhập cư tại các cơ sở của Cục Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP) "có thể chấp nhận" với ông hay không.
"Đây là một câu hỏi nghiêm túc sao? Có thể chấp nhận với tôi ư? Thôi nào... điều này hoàn toàn không thể chấp nhận", ông Biden trả lời câu hỏi của phóng viên ABC Cecilia Marcellina Vega.
Mỹ hiện đang giữ 15.000 trẻ em không có người giám hộ, trong đó có hàng nghìn trẻ em bị giữ ở CBP lâu hơn 72 tiếng mà luật pháp cho phép. Chính quyền ông Biden đang cố gắng chuyển những đứa trẻ này tới Cơ quan Y tế và Dịch vụ Nhân sinh hoặc các trung tâm chăm sóc nhưng các quan chức biên giới đều đang bị quá tải.
Ông Biden đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Trump về cuộc khủng hoảng biên giới, cáo buộc người tiền nhiệm "dỡ bỏ" hệ thống nhập cư và để chính quyền hiện tại có quá ít cơ sở vật chất để giải quyết làn sóng người nhập cư này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bảo vệ các chính sách của ông và bác bỏ cáo buộc rằng một số người đang đưa con cái họ vào một hành trình nguy hiểm với niềm tin rằng ông Biden sẽ chấp nhận những người nhập cư bởi ông là "một người tử tế".
Không còn tự coi mình là tổng thống một nhiệm kỳ
Một trong những câu hỏi đang đặt ra với chính quyền Tổng thống Biden là liệu nhà lãnh đạo 78 tuổi này có ra tái tranh cử năm 2024 hay không.
Ngày 25/3, ông Biden đã trả lời rằng ông có kế hoạch ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
"Đúng vậy, tôi có kế hoạch ra tái tranh cử", ông Biden khẳng định.
Khi ông Biden ra tranh cử trước hàng chục ứng viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ - một số người thậm chí trẻ hơn ông tới hàng chục tuổi - ông Biden đã đi con đường của riêng mình khi xây dựng hình ảnh bản thân như một ứng viên "cầu nối", người có thể đánh bại ông Trump năm 2020 trước khi chuyển giao nhiệm vụ cho thế hệ tiếp theo.
Tuy nhiên, với việc nhận được tỷ lệ ủng hộ mạnh mẽ và thành công trong việc thông qua gói kích thích kinh tế ứng phó với Covid-19, hôm 25/3, ông Biden đã chỉ rõ rằng, ông vẫn còn một hành trình dài, miễn là "định mệnh" không can thiệp bằng những kế hoạch khác.
"Tôi là một người tin vào định mệnh. Tôi không thể lên kế hoạch chắn chắn cho 3 năm rưỡi trước mắt", ông Biden cho hay.
Tổng thống Trump từng tuyên bố về nỗ lực tái tranh cử ngay trong ngày đầu tiên ông nhậm chức. Vì thế, sự ngần ngại tương đối của ông Biden về vấn đề này đặt ra những suy đoán về các kế hoạch tương lai của ông.
Dù vậy, ông Biden nhận định, nếu ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, ông hy vọng Phó Tổng thống Harris sẽ tiếp tục là liên danh tranh cử của ông. Nhiều người thậm chí coi bà Harris có thể trở thành người kế nhiệm của Tổng thống thứ 46 nếu ông từ chối ra tái tranh cử.
Chính sách đối ngoại
Theo một số cố vấn của Tổng thống Biden, chính sách đối ngoại không phải là trung tâm trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong những tuần tới khi ông đối mặt với quyết định rút quân khỏi Afghanistan, trừng phạt Nga với cáo buộc nước này liên quan đến các cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn, phản ứng trước các động thái khiêu khích từ Triều Tiên và phát triển chiến lược đối phó với Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, ông Biden đã nêu ra một số quan điểm về chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời ông, theo đó, tập trung vào việc cải thiện quan hệ với các đồng minh của Mỹ sau 4 năm hỗn loạn dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng thừa nhận rằng, ở một số lĩnh vực nhất định, ông đối mặt với những vấn đề tương tự như người tiền nhiệm mà không có hướng tiếp cận mới.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho là "rất khó" để đáp ứng hạn chót rút quân Mỹ khỏi Asghanistan ngày 1/5, cũng như chưa thể hình dung được sẽ duy trì bao nhiêu quân Mỹ tại đây vào năm tới.
Tổng thống Biden khẳng định cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cam kết sẽ phản ứng nếu tình hình leo thang căng thẳng. Dù vậy, ông Biden cũng cho rằng, giống như Tổng thống Trump, ông sẵn sàng theo đuổi con đường ngoại giao với điều kiện Triều Tiên sẽ "phi hạt nhân hóa".
Mặc dù từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể về các biện pháp thuế quan dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc khi cho rằng chúng "chỉ chạm tới một phần rất nhỏ trong mối quan hệ thực sự với Trung Quốc" nhưng chính quyền ông Biden đang cân nhắc đến việc này để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố tham vọng của Trung Quốc trong việc trở thành quốc gia giàu nhất và quyền lực nhất thế giới "sẽ không xảy ra dưới sự giám sát của tôi". Ông Biden khẳng định ông sẽ đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách tăng cường đầu tư vào công nghệ và khoa học./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo: The Hill, CNN, Business Insider