Nhưng sáng kiến này đã có những điều chỉnh để thích ứng với khó khăn. Trong bối cảnh đó, Mỹ buộc phải có một đối sách đa diện nếu muốn cạnh tranh đại cường với Trung Quốc.
BRI của Trung Quốc bị tổn hại nặng nhưng vẫn tìm cách thích ứng
Kể từ đầu năm 2020 đã rộ lên các tin đồn rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – đại chiến lược kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đang gặp rắc rối do đại dịch Covid-19 và sự chống đối Trung Quốc trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, các đồn đoán này hóa ra mang tính mong muốn chủ quan nhiều hơn. Nếu phải diễn đạt chính xác thì quy mô của BRI đang chuyển từ tư duy phát triển cơ sở hạ tầng kiểu truyền thống sang các nỗ lực tinh gọn hơn, hiện đại hơn.
Chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi trên của Trung Quốc và BRI. Đại dịch Covid-19 một mặt làm giảm tầm vươn xa của Trung Quốc và làm sứt mẻ tiếng tăm của nước này, mặt khác cũng mang lại cho họ cơ hội thay đổi các thông số của BRI và tái định hướng sáng kiến này.
Trong suốt năm 2020, một số dự án trong khuôn khổ BRI hoặc bị ngừng lại hoặc bị hủy bỏ. Trong thời gian đó, nhiều nước tìm cách hoãn thanh toán các khoản nợ với Bắc Kinh. Trước tình cảnh đó, Trung Quốc xoay trục sang các dịch vụ y tế công và hoạt động số hóa.
“Tơ lụa Y tế”
Hãy cùng xem cái gọi là “Con đường Tơ lụa Y tế” của Trung Quốc. Ý tưởng do Trung Quốc khởi xướng về một chương trình y tế công toàn cầu không phải là điều mới mẻ. Ý tưởng này lần đầu được giới thiệu vào năm 2017 khi ông Tập Cận Bình ký một thỏa thuận với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết đưa y tế làm một trọng tâm của BRI. Và ý tưởng này trở nên nổi bật trong năm 2020 khi dưới sự bảo trợ của BRI, các công ty Trung Quốc công khai quyên góp đồ bảo hộ cá nhân ở nhiều nơi trên thế giới nhằm làm xoa dịu làn sóng chỉ trích vai trò của Trung Quốc trong việc làm cho virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) lây lan nhanh trên thế giới.
Các khía cạnh của Con đường Tơ lụa Y tế bao gồm tham vấn y tế, cung cấp đồ y tế, cũng như gửi tiền viện trợ tới WHO để tổ chức này giúp các nước đang phát triển xây dựng hệ thống y tế công mạnh hơn.
“Tơ lụa Số”
Tiếp đó, Trung Quốc nghĩ thêm chiêu thức “Con đường Tơ lụa Số”.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một số bước thụt lùi trong tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành nhà cung cấp công nghệ 5G đứng đầu thế giới . Nhưng mặt khác đại dịch này lại mang đến cho Trung Quốc một số cơ hội khác. Trong năm 2020, các hãng công nghệ Trung Quốc đã giới thiệu vô vàn các dịch vụ y tế dựa trên 5G và giúp xây dựng các mạng 5G cả trong nước và ở nước ngoài để kết nối các nhân viên y tế và bệnh nhân với các chuyên gia y tế.
Một số ví dụ: Vào tháng 5/2020, Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn một kế hoạch chi tiêu 6 năm lấy 5G làm nền tảng. Huawei – gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc, đã đặt một tuyến cáp quang dài 6.000km xuyên qua Đại Tây Dương nối Brazil với Cameroon. Trong khi đó, sự lan truyền của nền tảng thanh toán số như WeChat Pay và Alipay đã tăng mức độ quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ.
“Tơ lụa Xanh”
Hiện tại cái gọi là “Con đường Tơ lụa Xanh” của Trung Quốc ít được chú ý nhưng tương lai có thể trở nên quan trọng.
Đại dịch Covid-19 đã buộc Bắc Kinh phải bỏ các dự án không có tính cạnh tranh, không được lòng dân và không có lợi về kinh tế (như một số đập nước và nhà máy than bẩn). Cuối năm 2020, Bộ Sinh thái Trung Quốc đã công bố một khung phân loại các dự án BRI dựa trên tác động môi trường của chúng. Năm 2020, 57% dự án đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng năng lượng là tập trung vào năng lượng tái sinh.
Tất nhiên BRI về cơ bản không được như mong muốn của phương Tây. Cốt lõi, BRI vẫn là một mô hình phát triển hướng vào cơ sở hạ tầng. Các kế hoạch của Chủ tịch Tập cho tương lai vẫn dựa vào các hành lang kinh tế cụ thể xuyên qua châu Á và châu Âu. Các dự án trong BRI có xu hướng sử dụng chính các hãng của Trung Quốc để thực hiện.
Tuy nhiên định nghĩa về BRI không rõ ràng nên sáng kiến này có thể thay đổi tương đối dễ dàng để thích ứng với tình hình mới, qua việc nó đang hướng vào phát triển y tế, công nghệ, và năng lượng xanh.
Trước tình thế này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc thì sẽ phải phát triển một kế hoạch đa diện để ứng phó với sự thay đổi hình dạng của BRI./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: National Interest