Hệ lụy và bài học từ tai nạn

Hệ lụy từ kênh đào Suez gây cản trở và làm tắc nghẽn những huyết mạnh lưu thông khiến cả thế giới phải suy ngẫm.

 

Trong những ngày vừa qua, kênh đào Suez ở Ai Cập thu hút sự quan tâm của dư luận trên thế giới và sự việc xảy ra ở nơi đây buộc cả thế giới phải suy ngẫm giữa khi cả thế giới vẫn còn phải tiếp tục suy ngẫm về tác động, hậu quả và hệ lụy của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Trên phương diện thông thương hàng hải, kênh đào Suez là một trong bốn tuyến thông thương hàng hải biển được coi là quan trọng nhất và có tác động mạnh mẽ nhất tới kinh tế và thương mại thế giới, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới cả chính trị an ninh và ổn định thế giới cũng như khu vực. Ba tuyến còn lại là kênh đào Panama, Eo biển Hormuz và Eo biển Malaca. Kênh đào Suez dài 190km, được đưa vào sử dụng năm 1869 và cho đến nay đã qua một vài lần mở rộng để có được chiều rộng 350m như hiện tại.

Mới đây, con tàu chở hơn 2.000 containe Ever Given khi đi qua kênh đào Panama gặp đúng trận bão cát và bị xô lệnh nên mắc cạn trong tình trạng vắt ngang lòng kênh đào, giống như một chiếc cầu bắc ngang qua kênh đào. Kênh đào vì thế bị tắc nghẽn và tàu thuyền dồn tụ ở hai phía đầu kênh đào. Sau gần một tuần được cứu hộ, con tàu này đã nổi trở lại trên mặt nước và đã được lai dắt đi bình thường. Chắc phải mất thêm một số ngày nữa thì mới có thể giải toả xong tình trạng nghẽn tắc ở hai phía đầu kênh đào.

Tàu hàng Ever Given chắn ngang kênh đào Suez. (Ảnh :KT)Vụ việc này xảy ra bất ngờ như sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Thiệt hại về kinh tế do việc con tàu Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez gây ra có thể định lượng hoá được. Ước tính có gần 400 tàu thuyền bị dồn tắc ở hai phía đầu kênh đào với tổng giá trị hàng hoá từ 6 đến 10 tỷ USD. Tắc nghẽn như thế gây chậm trễ trong cung ứng và khiến cho cách thức cung ứng được gọi là just-in-time, tạm hiểu là cung ứng ngay cho sản xuất chứ không phải lưu kho trước nhằm giảm thiểu tối đa chi phí lưu kho, bị gián đoạn và không thể phát huy tác dụng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn ở đấy. Chi phí cho vận tải gia tăng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất gia tăng và lợi nhuận giảm. Ấy là còn chưa kể đến tình trạng hàng hoá bị hư hại và giảm giá trị do phải chờ đợi nhiều ngày trên biển. Ở các hải cảng tiếp nhận, tức là điểm đến của những con tàu vận tải, xuất hiện tình trạng rối loạn kế hoạch bốc dỡ hàng hoá từ tàu thuyền. Theo số liệu thống kê của công ty vận hành kênh đào Suez, trong năm 2020 có gần 19.000 tàu thuyền đi qua kênh đào này. Ai Cập hàng năm thu về gần 4,5 tỷ USD tiền lệ phí đi qua kênh đào. Ước tính một phần mười tổng giá trị thương mại thế giới được vận chuyển qua kênh đào Suez.

Qua đó có thể thấy mức độ tác động tiêu cực của tình trạng kênh đào này bị tắc nghẽn đối với thế giới; đồng thời cũng có thể thấy cả việc chủ ý gây tắc nghẽn thông thương ở kênh đào này nói riêng và ở những nơi huyết mạch khác của thế giới nói chung dễ dàng khả thi như thế nào. Các phần tử cực đoan và tổ chức khủng bố trên thế giới có thể gây nên khủng hoảng chính trị an ninh và kinh tế thương mại ở khu vực cũng như trên thế giới với việc phá hoại, cản trở và làm tắc nghẽn những huyết mạnh lưu thông này của thế giới.

Cũng chính vì thế mà từ vụ việc con tàu Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez, thế giới phải rút ra sự cảnh báo mạnh mẽ và cấp thiết là việc đảm bảo sự thông thương hàng hải cần được coi trọng hàng đầu trong thế giới toàn cầu hoá ngày càng tăng. Các nền kinh tế chắc chắn sẽ phải để ý nhiều hơn đến việc sẵn sàng ứng phó với đột biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu và với biến động của chính trị an ninh khu vực và thế giới./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận