Các cuộc gặp trực tiếp cũng như gián tiếp ở Vienna (Áo) giữa 7 bên tham gia đàm phán và ký kết thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) hồi mùa hè năm 2015 là sự tận dụng cơ hội hiếm có để tìm phương cách thích hợp có thể cứu JCPOA. Số phận của JCPOA bị đe dọa sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận và áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời chưa có JCPOA. Phía Iran vì thế cũng giảm dần mức độ thực hiện JCPOA. Sau khi ông Trump bị kế nhiệm bởi ông Joe Biden ở Nhà Trắng, phía Iran và phía chính quyền mới ở Mỹ đều chủ động có những biểu hiện khác nhau với hàm ý duy trì hiệu lực của JCPOA nhưng đều với điều kiện tiên quyết. Mắc mớ chính là ở điều kiện tiên quyết này. Phía Mỹ yêu cầu Iran phải tuân thủ đầy đủ JCPOA trước trong khi phía Iran đòi Mỹ phải chấm dứt những biện pháp trừng phạt Iran. Thực chất ở đây là bên này muốn bên kia phải đi bước trước mà bên nào đi bước trước thì cũng không thể tránh khỏi bị tổn hại thể diện và bị coi là yếu thế so với bên còn lại, tức là sẽ gặp khó khăn lớn và khó xử nhiều cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Cũng chính vì thế mà những cuộc trao đổi ở Vienna rất thích hợp cho việc cùng nhau tìm ra phương cách và hình thức cho Mỹ trở lại JCPOA mà không bị coi là thất thế so với Iran cũng như cho Iran trở lại thực hiện đầy đủ JCPOA mà không bị coi là bị khuất phục trước sức ép của Mỹ. Ở Vienna, phía Mỹ và phía Iran không thương thảo trực tiếp với nhau mà thông qua Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh và Đức. Nhưng nhằm mục đích như trên thì bản thân việc có được các cuộc trao đổi này không thôi chứ chưa nói đến kết quả của chúng như thế nào cũng đã có được ý nghĩa và tác động rất tích cực. Nó giúp duy trì JCPOA cho tới khi thỏa thuận này được cứu sống thật sự và hoàn toàn./.
Ngân Hà