Đóng cửa 'cái nôi đào tạo các yếu nhân', Pháp nỗ lực thúc đẩy bình đẳng xã hội?

Vì sao Tổng thống Macron quyết định đóng cửa ENA - 'cái nôi đào tạo ra các yếu nhân và các nhân vật ưu tú' - nơi mà 4 đời tổng thống Pháp từng theo học?

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch đóng cửa Trường Hành chính quốc gia (ENA) - ngôi trường danh tiếng chuyên đào tạo “giới tinh hoa” như các nhà lãnh đạo, quan chức cao cấp của Pháp cũng như quốc tế. Cho đến nay, đã có 4 đời Tổng thống Pháp - trong đó có Tổng thống Macron từng theo học trường này. Vì sao người đứng đầu nước Pháp lại quyết định đóng cửa “cái nôi đào tạo ra các yếu nhân và các nhân vật ưu tú” này?

Đằng sau quyết định đóng cửa ENA

Ý định đóng cửa trường Hành chính quốc gia – ENA đã được Tổng thống Pháp đưa ra từ đầu năm 2019, sau khi diễn ra những cuộc biểu tình gây biến động xã hội sâu sắc của phong trào “Áo vàng”. Vào thời điểm đó, ý tưởng đóng cửa trường ENA được xem là câu trả lời mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra cho những người biểu tình “Áo vàng” bởi về sâu xa, phong trào Áo vàng là biểu hiện bùng nổ sự tức giận của những người dân thường đối với tầng lớp lãnh đạo tinh hoa.

Những người lao động bình dân Pháp cho rằng giới tinh hoa lãnh đạo đã quá xa rời thực tế cuộc sống khó khăn của người dân, không quan tâm, lắng nghe nguyện vọng và các bức xúc của họ, đưa ra các chính sách mang tính áp đặt và quan liêu, không sát với tình hình thực tế tại các địa phương. Về cơ bản, phong trào “Áo vàng” có màu sắc như một cuộc nổi dậy của quần chúng lao động chống lại giới tinh hoa lãnh đạo, chống lại bất công xã hội mà họ cho rằng do tầng lớp lãnh đạo Pháp tạo nên.

Vì thế, để xoa dịu sự tức giận của những người biểu tình Áo vàng, ông Macron đã đưa ra ý tưởng đóng cửa trường ENA, vốn được coi là cái nôi đào tạo tinh hoa của Pháp, nơi mà đa số các lãnh đạo nhà nước, các công chức hành chính cấp của Pháp được đào tạo nhưng cũng là nơi có sự bất bình đẳng cơ hội rất lớn, khi mà khoảng 80% số người được nhập học tại ENA xuất thân từ các gia đình được coi là thuộc tầng lớp thượng lưu tại Pháp. Vì vậy, việc đóng cửa ENA trước hết là để xoa dịu phong trào “Áo vàng”

Tuy nhiên, sau khi được đưa ra, ý tưởng này cũng đã bị quên lãng trong một thời gian dài khi cả chính quyền cũng như dư luận Pháp không bàn luận tới, cho đến khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức công bố việc đóng cửa ENA cách đây khoảng 10 ngày. Ngoài ý nghĩa ban đầu của ý tưởng này là để xóa bỏ sự bất bình đẳng cơ hội thì việc ông Macron làm sống lại chủ đề ENA vào thời điểm này cũng có nhiều tính toán khác.

Thứ nhất, sau hơn 1 năm trải qua đại dịch Covid-19, chính quyền Pháp coi như là đã thất bại nặng nề trong việc ứng phó đại dịch, khi số người chết vì Covid-19 trong tuần qua chính thức vượt quá 100.000 người, nước Pháp đã phải phong tỏa toàn quốc đến 3 lần nhưng giờ vẫn đang trong tình hình dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng. Do đó, việc đóng cửa ENA vào lúc này giống như một chiến thuật đánh lạc hướng dư luận và có ý đổ lỗi thất bại cho hệ thống đã đào tạo nên những nhà quản lý.

Cuối cùng, chỉ còn hơn 1 năm nữa là Pháp bầu cử Tổng thống nên việc đóng cửa ENA cũng là hành động có tính biểu tượng của ông Macron, để phát đi thông điệp rằng ông là người có ý chí cải cách quyết liệt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch đóng cửa Trường Hành chính quốc gia (ENA) - ngôi trường danh tiếng chuyên đào tạo “giới tinh hoa”. Ảnh: Reuters

Phản ứng của dư luận Pháp

Trong xã hội Pháp, đặc biệt là trong tầng lớp tinh hoa, có hai luồng ý kiến rõ rệt. Luồng thứ nhất cho rằng việc đóng cửa ENA và thay vào đó bằng một cơ sở đào tạo có cơ chế và tổ chức hoạt động khác là điều hợp lý bởi từ sau khi được thành lập sau Thế chiến II đến nay, mặc dù đã xây dựng được danh tiếng rất lớn là nơi đào tạo những lớp quản lý tinh hoa cho nước Pháp nhưng ENA cũng bị chỉ trích là ngày càng phát triển theo xu hướng biệt lập, trở thành một cơ sở đặc quyền của những gia đình thuộc tầng lớp trên trong xã hội Pháp.

Điều kiện để có thể được nhập học tại ENA là vô cùng gian nan vì trước đó người học đã phải trải qua các thử thách cực kỳ khó khăn khác như các “lớp chuẩn bị” (classe prépa) để thi vào các “Trường lớn” (Grandes Écoles) rồi sau đó mới đủ điều kiện thi vào ENA. Đây đều là các thử thách cực kỳ khó khăn về mặt học thuật, tài chính… mà hầu như chỉ có các gia đình thuộc tầng lớp trên mới có thể đáp ứng.

Vì thế, nhiều người cho rằng đóng cửa ENA cũng là điều hợp lý vì ENA đang ngày càng trở thành biểu tượng của đặc quyền, đặc lợi và bất công xã hội, bất bình đẳng cơ hội. Chưa kể là các thế hệ người học từ ENA ra thường tạo lập thành các mạng lưới nghề nghiệp khép kín và sau này thành các nhóm lợi ích khi nắm quyền tại các cơ quan quản lý lớn của nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác cho rằng, ENA đang trở thành “vật tế thần” của ông Macron và quyết định đóng của ENA hoàn toàn là một quyết định dân túy của ông Macron. Những người này cho rằng, bất chấp một số bất công mà ENA tạo ra thì những đóng góp lớn của ENA cho nước Pháp cần phải được ghi nhận.

Được thành lập từ sau Thế chiến II, các thế hệ lãnh đạo Pháp được đào tại tại ENA đã vực dậy một nước Pháp đổ nát, giúp nước Pháp có được “30 năm vinh quang” khi phát triển kinh tế mạnh mẽ, giúp nước Pháp duy trì được vị thế cường quốc tại châu Âu và trên thế giới, mà minh họa rõ nhất là 4 đời Tổng thống Pháp, hàng trăm lãnh đạo cấp cao ở các Bộ, ở các tập đoàn lớn của Pháp… Do đó, việc đóng cửa ENA không phải là giải pháp có thể gạt bỏ mọi vấn đề trong xã hội Pháp hiện nay. Những người này cho rằng nên giữ lại ENA nhưng cải tổ trường này, đặc biệt là ở khâu tuyển sinh.

Giải pháp để tránh lặp lại kịch bản cũ

Việc đóng cửa Trường Hành chính quốc gia đã nằm trong kế hoạch cải cách bộ máy hành chính cấp cao cũng như thúc đẩy xóa bỏ bất bình đẳng xã hội tại Pháp. Thế nhưng, một ngôi trường mới thay thế - cụ thể là Viện Dịch vụ công sẽ phải có cơ chế hoạt động, chương trình đào tạo như thế nào để tránh lặp lại kịch bản đã tồn tại những năm qua?

Vấn đề lớn nhất của ENA, đó là nó quá khó tiếp cận với tầng lớp bình dân Pháp vì để được vào học tại ENA là một quá trình vô cùng gian nan về học vấn, tài chính, đòi hỏi người học phải qua được nhiều thử thách khó khăn trước đó. Do đó, Viện dịch vụ công sẽ phải sửa đổi từ những bất cập của ENA, đó là mở rộng cơ chế tuyển sinh, dành nhiều suất nhập học ngoại lệ hơn cho các học viên đến từ các khu vực khó khăn như nông thôn, đô thị nghèo, tăng tính đa dạng về sắc tộc và thành phần dân cư của học viên, mà ở Pháp gọi là “sự hòa trộn xã hội” (mixité sociale).

Trên thực tế, trước đòi hỏi và bức xúc của xã hội Pháp, nhiều năm qua một số “Trường lớn” đào tạo tinh hoa tại Pháp, điển hình là Trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris) đã cải cách cơ chế tuyển sinh, mở rộng cơ hội cho nhiều thành phần dân cư từ nhiều vùng địa lý khác nhau, kể cả học viên quốc tế, dành những ưu đãi nhất định cho các học viên xuất thân từ các gia đình nghèo, có gốc gác nhập cư hay sống tại các khu vực nhạy cảm về an ninh...

Cuối cùng, đó là phải cải cách cả đầu ra. Trước đây, các khóa học tại ENA (các promotion) đều có thi đầu ra và bảng xếp hạng học viên đầu ra có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp của nhiều người. Những học viên xếp hạng đầu ra cao được tự động lựa chọn trở thành các công chức cao cấp tại các tổ chức quản lý nhà nước lớn, như Thẩm kế viện (Cour des comptes), Tham chính viện (Conseil d’État) hay Tổng thanh tra tài chính nhà nước… Đặc quyền này giờ sẽ chấm dứt. Các học viên tốt nghiệp sẽ phải đi xuống các địa phương làm việc nhiều hơn. Việc luân chuyển công chức cũng sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn, qua đó có thể giảm bớt các đặc quyền và sự quan liêu./.

Quang Dũng/VOV-Paris
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận