Phương Tây gay gắt với Nga

Đã từ nhiều năm nay rồi, mối quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga không được bình thường, không được hài hoà và êm ấm.

 

Đã từ nhiều năm nay rồi, mối quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga không được bình thường, không được hài hoà và êm ấm. Trong thời gian không đầy một thập kỷ trở lại đây xảy ra quá nhiều chuyện trong mối quan hệ này mà chuyện nào cũng nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại ở cả hai phía, đều động chạm đến hệ giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược của hai bên. Hiện tại lại là một thời kỳ trắc trở nhất trong quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga.

Mỹ, EU và NATO cáo buộc Nga triển khai lực lượng quân đội ở vùng biên giới của Nga với Ukraine và trên bán đảo Crimea để sẵn sàng lại tiến hành can dự quân sự vào Ukraine như hồi năm 2014. Mỹ và EU dọa sẽ gia tăng mức độ trừng phạt Nga nếu nhân vật đối lập Nga Alexeij Nawalny có mệnh hệ gì ở Nga. Mỹ trừng phạt Nga trên cơ sở cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hồi năm 2016. Mức độ tồi tệ trong mối quan hệ này còn thể hiện ở tình trạng chẳng khác gì một cuộc chiến ngoại giao thực thụ dưới hình thức các bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Mỹ trục xuất 10 nhà ngoại giao của Nga và Ba Lan trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga. Ukraine trục xuất một nhà ngoại giao Nga sau khi Nga bắt giữ và trục xuất một nhà ngoại giao Ukraine. Nổi bật hơn cả là việc Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga và Nga đáp trả bằng việc trục xuất 20 nhà ngoại giao của Séc, trong đó có cả phó đại sứ Séc ở Nga, và thậm chí còn không cho phía Séc tiếp tục sử dụng nhân viên người Nga trong cơ quan ngoại giao Séc ở Nga.

Quân đội Nga tham gia diễn tập. (Ảnh: KT)Bất chấp mức độ đáp trả rất mạnh mẽ của Nga, các nước phương Tây tiếp tục hành xử theo hướng gia tăng mức độ xung khắc và căng thẳng với Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sử dụng khái niệm "lằn ranh đỏ" để cảnh báo và răn đe Nga. Mỹ, EU và NATO nói chung cũng như nhiều thành viên của NATO và EU nói riêng hiện tại dường như rất đoàn kết nhất trí với nhau trong chủ trương chính sách và hành động cụ thể đối với Nga. Trong chừng mực nhất định, thực trạng hiện tại trên châu lục ở phương diện quan hệ giữa phương Tây và Nga có rất nhiều nét giống thời kỳ chiến tranh lạnh trong nửa sau của thế kỷ trước.

Trong nhìn nhận của phương Tây, chuyện quan hệ giữa Ukraine và Nga là chuyện chính trị an ninh châu lục chứ không phải chỉ là chuyện quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng của nhau trên châu lục và chuyện liên quan tới ông Nawalny là chuyện dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, tức là chuyện hệ giá trị mà phương Tây tôn thờ. Chính quyền mới ở Mỹ với tân tổng thống Joe Biden chủ trương không nhún nhường Nga như chính quyền tiền nhiệm, khôi phục quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác trong EU và NATO cũng như đề cao dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền thành một trong những nguyên tắc chỉ đạo chính sách đối ngoại. Ngoài ra, những cáo buộc và đồn thổi về Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ góp phần giúp ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hoà thắng cử vẫn còn tác động không hề nhỏ tới phe Đảng Dân chủ của ông Biden. EU và NATO có lo ngại thật sự về thách thức và nguy cơ an ninh từ Nga nên cần dựa vào Mỹ để đối phó và tận dụng những định hướng chính sách nói trên của ông Biden để ràng buộc Mỹ chặt như có thể được vào liên minh cùng đối phó Nga. Từ đó có thể thấy việc phương Tây gay gắt với Nga trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu lục gần như không thể tránh khỏi và Séc tận dụng thời thế làm cơ hội để gây dựng vai trò nồi bật, tranh thủ sự hậu thuẫn của các đồng minh và đối tác khác nhằm tạo thế và con bài cho việc xử lý quan hệ song phương với Nga sau này. Vì Nga không sẵn sàng nhún nhường phương Tây nên đối đầu và căng thẳng giữa hai bên còn kéo dài./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận