Ngay trước dấu mốc 100 ngày cầm quyền đầu tiên, tổng thống Mỹ Joe Biden có một quyết sách đối ngoại mà hậu quả và hệ lụy của nó hiện chưa thể lường hết được. Quyết sách này của ông Biden liên quan đến chuyện xảy ra cách đây hơn một thế kỷ và động chạm tới Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại. Ông Biden là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên coi hành động của quân đội của Đế chế Osman hồi đầu thế kỷ trước tàn sát người Armenia là diệt chủng. Cách đây mấy năm, quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết nhìn nhận vụ việc trên là hành động diệt chủng. Nghị viện nhiều nước khác trên thế giới cho đến nay cũng có động thái tương tự. Nhưng trước ông Biden thì chưa có tổng thống đương nhiệm nào ở nước Mỹ đi xa như ông trong chuyện này. Nguyên nhân đơn giản chỉ là ai cũng phải lưu ý đến mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đi ra từ Đế chế Osman khi xưa và kế thừa trên phương diện pháp lý quốc tế đế chế này. Khi xưa, đế chế này liên minh với một số bên khác tiến hành chiến tranh với Nga. Quân đội của Đế chế Osman đã tàn sát hàng trăm ngàn người Armenia vì cho rằng người Armenia liên minh với Nga. Các nhà sử học và nghiên cứu lịch sử cho rằng có đến 1,5 triệu người Armenia đã bị quân đội của đế chế Osman sát hại trong những năm tháng đó. Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ không coi những hành động của quân đội của Đế chế Osman là diệt chủng mà chỉ là thảm sát. Nhìn nhận vụ việc đã xảy ra như thế nào sẽ quyết định cách tiếp cận vào sự thật lịch sử và trách nhiệm của nhà nước hiện tại đối với sự thật lịch sử ấy.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện không được êm thấm. Những trắc trở chính là Thổ Nhĩ Kỳ tuy là thành viên của NATO nhưng lại mua vũ khí hiện đại của Nga gây rủi ro an ninh cho NATO và thiệt hại về kinh tế cho Mỹ, là Thổ Nhĩ Kỳ đồng hành với Nga chứ không hoàn toàn với Mỹ và NATO ở Syria và Mỹ không hài lòng về tình trạng dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ, quyết định của ông Biden nhìn nhận chuyện xưa là diệt chủng làm cho mối quan hệ song phương này thêm khúc mắc và căng thẳng. Đấy là cú đòn mạnh giáng thẳng vào thể diện và uy danh của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại nói chung và của cá nhân tổng thống đương nhiệm của nước này Recep Tayyip Erdogan nói riêng. Phía Thổ Nhĩ Kỳ vì thế không thể không phản ứng rất quyết liệt. Động thái này của ông Biden trong thực chất là một trong những điều chỉnh chính sách cơ bản nhất và quyết định nhất của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ông Biden thể hiện sự khác biệt với những người tiền nhiệm là không sẵn sàng tranh thủ Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi giá. Thật ra, ông Biden không thể quyết định khác được bởi ngay từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ và coi vụ việc khi xưa là diệt chủng, tức là tự đẩy mình vào tình thế không thể công khai đánh giá khác sau khi trở thành tổng thống Mỹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được êm thấm có tác động mạnh mẽ tới tình hình nội bộ NATO và chiến lược của Mỹ cũng như của NATO ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Ông Biden làm như vậy với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khích lệ các đồng minh và đối tác của Mỹ trong EU và NATO hành động theo nên quan hệ của họ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ trở nên khúc mắc hơn trước. Phía Thổ Nhĩ Kỳ không dễ dàng nhanh chóng nguôi ngoai chuyện này, chắc chắn sẽ tỏ ra gay gắt với Mỹ và những nước nhân dịp này hành xử tương tự như Mỹ trong thời gian tới./.
Hoàng Lan