Sau gần 2 năm, bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên nhóm G7 mới lại có cuộc gặp gỡ trực tiếp. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã làm cho ngoại giao trực tiếp phải chuyểngần nhưtất cả sang thành trực tuyến. Dịch bệnh vẫn hoành hành dữ dội trên thế giới và ở nước Anh, nơi diễn ra cuộc gặp này và Anh hiện là chủ tịch đương nhiệm của nhóm G7. Vậy mà G7 vẫn chủ ý dùng cách thức trực tiếp cho cả cuộc gặp này lẫn cuộc cấp cao sắp tới. Mục đích của Anh và G7 ở đây là làm cho G7 nổi bật hẳn trong bối cảnh tình hình chung hiện tại trên thế giới. Cơ hội cho Anh và G7 thực hiện tham vọng này là sự thay đổi chính quyền ở nước Mỹ từ cuối tháng Giêng năm nay.
Khác với người tiền nhiệm là ông Donald Trump, tân tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới" thông qua sự tham gia và can dự trở lại của nước Mỹ vào hoạt động của các tổ chức và thể chế, khuôn khổ và diễn đàn đa phương quốc tế, khôi phục quan hệ hợp tác với đồng minh và đối tác chiến lược. Ông Biden nhìn nhận trong chủ trương này cách thức thích hợp nhất và hứa hẹn hiệu quả nhất giúp nước Mỹ khôi phục vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, đặc biệt khôi phục lòng tin của thế giới vào nước Mỹ. Ông Biden và cộng sự trong chính quyền mới ở Mỹ không giấu giếm mục tiêu cốt lõi là khôi phục, củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo thế giới cho nước Mỹ. G7 vì thế được chính quyền mới ở Mỹ đặc biệt coi trọng. Cho nên cũng có thể nói sự thay đổi chính quyền ở nước Mỹ cùng với quan điểm, định hướng chính sách như trên của ông Biden, G7 chẳng khác gì được hồi sinh sau thời gian bị ông Trump làm cho gần như bị vô hiệu hóa.
Không chỉ hồi sinh, khuôn khổ diễn đàn này hiện dường như còn chủ ý tìm kiếm sứ mệnh mới trong bối cảnh tình hình mới nhằm vào thời gian tới. Các vấn đề trên chương trình nghị sự của các hoạt động của G7 như vấn đề Syria hay Iraq, chống khủng bố hay chống biến đổi khí hậu trái đất, vấn đề Ukraine hay chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, thậm chí cả chuyện đối phó dịch bệnh... đều cũ chứ không phải mới mẻ đối với G7, đều được G7 đề cập đến ở mọi cấp độ gặp gỡ trực tiếp hay trực tuyến trong thời gian qua. Người ta đều thấy G7 quan tâm đến nhưng mãi không có được đóng góp đáng kể gì vào việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề ấy.
Cái mới đối với G7 về nội dung là việc ông Biden quyết định rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan chậm nhất cho tới ngày 11/9 tới. Mỹ quyết định chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan như thế thì NATO và các đồng minh khác của Mỹ cũng phải thoái lui hết ra khỏi Afghanistan. Hệ lụy của việc chấm dứt cuộc chiến tranh này và triển vọng chính trị an ninh ở Afghanistan và ở khu vực xung quanh sẽ cho thấy Mỹ, NATO và đồng minh rồi đây sẽ còn phải tiếp tục trả giá như thế nào. Nội dung mới mà G7 lựa chọn và đặt vào trung tâm là đối phó Nga và Trung Quốc. Thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cùng đối phó Nga và Trung Quốc hiện mới chính là cái mà G7 cấp thiết gây dựng. G7 đang có tham vọng định hình trật tự thế giới mới ở thời thế giới bị dịch bệnh hoành hành và thời thế giới sau dịch bệnh mà ở đó cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm. Một đặc tính khác nữa của sứ mệnh mới này của G7 là đề cao vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền theo cách hiểu và dựa trên những quy chuẩn giá trị của phương Tây.
Sự hồi sinh của G7 và việc xác định sứ mệnh mới như trên báo hiệu mối quan hệ của nhóm nước này với Nga và Trung Quốc sẽ phức tạp và gay cấn thêm rõ rệt trong thời gian tới./.
Hoàng Lan