Xung đột Israel-Palestine diễn ra theo chiều hướng khó lường
Lực lượng bộ binh của Israel đã tấn công Dải Gaza vào sáng sớm hôm nay (14/5) trong bối cảnh xung đột giữa Israel với các nhóm vũ trang Palestine ngày càng leo thang.
Vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công có phải là màn mở đầu cho một chiến dịch trên bộ nhằm vào nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza hay không. Người phát ngôn của quân đội Israel Jonathan Conricus ban đầu cho biết “lực lượng bộ binh đang tấn công Gaza”, song ông lưu ý, quân đội Israel vẫn chưa tiến vào Dải Gaza. Điều này cho thấy nhiều khả năng các vụ pháo kích được thực hiện ở bên ngoài khu vực.
Giới chức quân sự Israel cho biết, nhiệm vụ của họ là ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa từ Dải Gaza. Trước đó hôm 13/5, quân đội nước này đã triển khai xe tăng và binh sỹ tới các cứ điểm dọc biên giới với Gaza để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công trên bộ. Các nhà phân tích cho rằng, chiến dịch trên bộ nếu được thực hiện sẽ gây ra thương vong cao hơn.
Hiện Israel đang rời vào một tình huống chưa từng có: đối đầu với các tay súng Palestine ở sườn phía nam của nước này trong khi tìm cách giải quyết tình trạng bất ổn trong nước tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trước đó hôm qua, các cuộc đụng độ giữa người Arab và người Do Thái đã diễn ra trên nhiều thành phố của Israel. Nhà chức trách phải điều động lực lượng dự bị và cảnh sát vũ trang tới thành phố Lod để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến.
Hai bối cảnh hỗn loạn kết hợp với nhau đã cho thấy một bước thay đổi lớn trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine. Trong khi các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine trước đây thường diễn ra theo quỹ đạo có thể đoán định được thì vòng giao tranh mới, được cho là tồi tệ nhất trong 7 năm qua, có nguy cơ phát triển thành một cuộc chiến tranh toàn diện, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn và xoay chuyển theo những chiều hướng khó đoán định.
Tại Gaza, một vùng đất nghèo khó, nơi từng trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài 7 tuần vào năm 2013, các nhóm vũ trang Palestine đã bắn ồ ạt tên lửa tầm xa vào Israel với số lượng lớn chưa từng có, khoảng 1.800 quả trong 3 ngày. Israel đã tăng cường chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của Hamas vào hôm 13/5, phá hủy các tòa nhà và văn phòng. Giới chức y tế Gaza cho biết, các vụ tấn công đã khiến 103 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em. Các nhà trung gian hòa giải của Ai Cập đã đến Israel ngày 13/4, sớm hơn so với dự định trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc xung đột diễn ra theo chiều hướng xoắn ốc.
Cơ quan tình báo Israel ước tính, phong trào Hamas, nhóm Hồi giáo Jihad và các nhóm vũ trang khác tại Palestine có khoảng 30.000 tên lửa và đạn cối đang được cất giữ tại Dải Gaza. Tên lửa sử dụng trong các cuộc xung đột mới nhất này có tầm bắn xa hơn các loại tên lửa được sử dụng trước đây, vươn xa tới Tel Aviv và Jerusalem. Bên cạnh đó, chúng cũng có tính sát thương cao hơn.
Theo cơ quan tính báo Israel, Hamas dường như đang sử dụng chiến thuật mới, bắn hơn 100 tên lửa cùng 1 lúc nhằm xuyên thủng lá chắn của hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt mà giới chức Israel cho biết phát huy hiệu quả 90% trong việc đánh chặn tên lửa trước khi chúng rơi xuống lãnh thổ nước này.
Nguy cơ nội chiến
Không chỉ đối phó với các cuộc tấn công từ Palestine, Israel còn phải đương đầu với các vụ bạo lực bùng phát một cách đáng báo động giữa người Do Thái và người Arab. Tình trạng bất ổn đã xảy ra tại một số thành phố đa sắc tộc khi nhiều người giận dữ ném gạch đá vào các phương tiện trên đường phố, đốt nhà thờ Hồi giáo và giáo đường Do Thái, lao vào tấn công lẫn nhau. Tình trạng này báo hiệu sự vi phạm luật pháp và mất trật tự với quy mô chưa từng thấy tại Israel kể từ diễn ra phong trào nổi dậy Intifada đầu tiên của người Palestine chống lại Israel cách đây 21 năm.
Các nhà lãnh đạo Israel, trong đó có Tổng thống Reuven Rivlin đã nhắc đến bóng ma của một cuộc nội chiến: “Chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề trong nước mà nhằm tìm cách tránh một cuộc nội chiến có thể đe dọa đến tương lai của Israel”.
Còn Thủ tướng Netanyahu cho biết: “Không có mối đe dọa nào lớn hơn những cuộc bạo loạn hiện nay”. Một ngày trước đó, ông mô tả các vụ bạo lực giống như “tình trạng vô chính phủ”, nói rằng: “Không có gì biện minh cho việc người Arab tấn công người Do Thái và cũng không có gì biện minh cho hành động của người Do Thái tấn công người Arab”. Ông Netanyahu cũng cam kết sẽ điều động Lực lượng Phòng vệ Israel tới thành phố Lod để bình ổn tình hình.
Để đảm bảo an ninh cho Lod, chính phủ đã điều động hàng nghìn cảnh sát bảo vệ biên giới có vũ trang từ khu vực Bở Tây tới và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h hàng ngày, nhưng các biện pháp này ít phát huy tác dụng.
Xung đột và bạo loạn diễn ra giữa lúc tình hình chính trị tại Israel đang rối ren. Những toan tính chính trị tại Israel ngày càng trở nên phức tạp hơn sau khi các cuộc đàm phán giữa các đảng phái đối lập nhằm tìm cách thành lập một chính phủ mới bị sụp đổ.
Hiện hai đối thủ của Thủ tướng Netanyahu là Naftali Bennett - lãnh đạo đảng cánh hữu Yamina và Yair Lapid – Chủ tịch đảng Yesh Atid đang tiến hành đàm phán để thành lập chính phủ mới sau khi ông Netanyahu thất bại trong tiến trình này. Tuy nhiên, ông Naftali Bennett, đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào hôm 13/5 với lý do lo sợ tình trạng khẩn cấp đang diễn ra tại một số thành phố ở Israel.
Sự rút lui của ông khiến Israel nhiều khả năng sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới vào cuối mùa hè năm nay. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển của lần thứ 5 trong vòng hơn 2 năm tại Israel. Truyền thông Israel cho biết, ông Netanyahu thất bại trong việc thành lập chính phủ mới phần lớn vì một số đảng phái không muốn phục vụ dưới quyền một Thủ tướng đang bị xét xử. Ông Netanyahu hiện đang hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng, dù ông nhiều lần bác bỏ các cáo buộc chống lại mình./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo New York Times