Chiến sự giữa Israel và Hamas ở khu vực Trung Đông bước sang tuần thứ hai với sự gia tăng mức độ quyết liệt và bạo lực. Cả Israel và Hamas đều không cho thấy có ý định ngừng chiến và nhằm tới thoả thuận ngừng bắn nào đấy trong thời gian tới. Sách lược của cả hai bên dường như là bên này quyết tâm gây tổn hại lớn như có thể được cho bên kia rồi mới chấp nhận thoả thuận ngừng chiến.
Thực tiễn từ trước đến nay ở cuộc đối địch giữa Hamas và Israel cho thấy hai bên này chưa khi nào tự giác chủ động đi vào hòa dịu với nhau sau mỗi lần bùng phát đụng độ quân sự trực tiếp với nhau. Ở lần này sẽ càng không thể có chuyện đấy vì phía Hamas đã thành công với việc chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel và gây thiệt hại trực tiếp về người và của cho Israel khiến phía Israel phản ứng càng thêm quyết liệt. Hơn nữa, cả Hamas ở phía Palestine lẫn thủ tướng tạm quyền Benjamin Netanyahu ở phía Israel hiện đều có nhu cầu rất lớn và rất cấp thiết về trang trải đối nội nên rất cần gây dựng hình ảnh về bên chiến thắng trong chiến sự lần này.
Chiến sự giữa hai bên càng dai dẳng và càng quyết liệt thì áp lực từ bên ngoài càng thêm gia tăng thúc ép Israel và Hamas chấm dứt chiến sự, thực thi ngừng chiến và rồi thoả hiệp với nhau về cùng tồn tại hòa bình trong tương lai. Các đối tác bên ngoài cũng biết rằng phải có sự trung gian hòa giải của bên ngoài thì mới có thể làm cho Israel và Hamas chấp nhận ngừng chiến sự với nhau. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai có thể đảm trách sứ mệnh ngoại giao này.
Do bị Mỹ phản đối, HĐBA LHQ không thông qua được một Tuyên bố của HĐBA LHQ kêu gọi Hamas và Israel giảm xung khắc và ngừng chiến. Phía Mỹ lập luận rằng một tuyên bố với nội dung như thế chỉ làm khó khăn thêm và thậm chí còn cho bất khả thi chuyện ngừng bắn và hòa giải giữa Israel và Hamas. Ai Cập là quốc gia bên ngoài đầu tiên tiến hành hoạt động ngoại giao trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas nhưng chưa đưa lại được kết quả nào. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã 3 lần điện đàm với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhưng không công khai phê trách Israel. Trong khi Israel vẫn đươc các đồng minh ở ngoài khu vực Trung Đông hậu thuẫn trực tiếp cũng như gián tiếp thì các nước trong khu vực đa phần không như thế đối với Israel. Đặc biệt có Thổ Nhĩ Kỳ dùng lời lẽ rất nặng nề để phê phán cả Mỹ lẫn Israel.
Ở bên ngoài hiện có không ít đối tác muốn đảm trách vai trò ngoại giao trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas nhưng không muốn nhảy vào cuộc ngay vì tự thấy rất ít cơ hội có thể thành công bởi tất cả đều không có đủ uy tín và ảnh hưởng để thuyết phục hay thúc ép Israel và Hamas đi vào thỏa hiệp với nhau về ngừng chiến và rồi chấm dứt chiến sự. Chiến sự hiện tại ở Trung Đông làm cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine lại thời sự trên thế giới và ở khu vực này trong bối cảnh chung là thế giới vẫn bị cuốn hút vào cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Nó nhắc nhở cả thế giới về cuộc xung khắc này và nguy cơ đụng độ vũ trang, thậm chí cả chiến tranh luôn có thể xảy ra bất cứ khi nào khiến cho cả khu vực, thậm chí cả thế giới không thể tránh khỏi bị vạ lây.
Israel có ưu thế quân sự nổi trội so với Hamas nhưng rõ ràng không có đủ khả năng vô hiệu hoá hoàn toàn tiềm lực quân sự của Hamas. Hamas gia tăng được mạnh mẽ vai trò và ảnh hưởng chính trị trong nội bộ Palestine thông qua lần giao tranh vũ trang này với Israel. Israel rồi sẽ gặp khó khăn và phức tạp nhiều hơn trong quan hệ với thế giới Ả rập. Và ông Biden giờ buộc phải quan tâm hơn đến chuyện xảy ra ở khu vực Trung Đông cho dù đã xác định dành ưu tiên chính sách đối ngoại cho khu vực khác./.
Hoàng Lan