Hải quân Nga đã nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraine. Chính phủ Ukraine đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở một số nơi trên đất nước trong vòng 30 ngày. HĐBA LHQ đã nhóm họp. Nhiều quốc gia đã biểu thị thái độ. Phía Nga và Ukraine đưa ra những giải thích trái chiều nhau về nguyên nhân và diễn biến vụ việc, cảnh báo và răn đe lẫn nhau. Sự thật cụ thể như thế nào khó có thể được xác định rõ ràng vì cả hai phía đều được lợi từ chuyện này. Hệ lụy chắc chắn nhất hiện tại cũng như lâu dài là mối bất hoà giữa hai nước trở nên thêm trầm trọng và khó khắc phục.
Biển Azow được Nga và Ukraine nhất trí coi là biển nội địa trong một thoả thuận song phương ký kết năm 2003. Thoả thuận này trên thực tế không còn giá trị hoặc ít nhất thì cũng bị hiểu và được vận dụng theo cách khác trước từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea năm 2014. Sự khác biệt giữa hai thời điểm này là mức độ và bản chất mối quan hệ song phương khác nhau. Thời trước, quan hệ giữa hai nước tốt đẹp và mọi chuyện liên quan đều được cùng nhau xử lý hài hoà. Thời sau, mối quan hệ này trở nên thù địch và vì thế tiểu sự luôn trở thành đại sự. Trước đây, tàu thuyền và cả tàu chiến của Ukraine đi lại tự do giữa Biển Azow và Biển Đen thông qua Eo biển Kertch. Phía Ukraine có hoa tiêu lai dắt tàu bè và hải quan làm thủ tục riêng. Từ sau khi tiếp nhận Crimea và đặc biệt từ sau khi xây dựng chiếc cầu nối nước Nga châu lục với Crimea, phía Nga cứ dần kiểm soát hoàn toàn chuyện đi lại thông thương qua eo biển, bắt tàu thuyền nước ngoài, kể cả của Ukraine muốn đi qua đó phải xin phép Nga trước.
Vừa rồi, ba chiếc tàu chiến của Ukraine đi từ cảng Odessa muốn tới hải cảng Marupol của Ukraine ở Biển Azow và phải đi qua Eo biển Kertch. Phía Ukraine cho biết có xin phép Nga nhưng phía Nga không trả lời trong khi phía Nga lại nói ba chiếc tàu này bất chấp mọi hiệu lệnh và yêu cầu của phía Nga. Hải quân Nga vì thế đã chặn lại, nổ súng và bắt giữ. Có thuỷ thủ của Ukraine bị thương và bị bắt. Phía Nga đã khởi tố vụ án hình sự và truy tố những thủ thuỷ Ukraine ra trước toà. Chính phủ Ukraine với tổng thống Petro Poroshenko muốn ban bố tình trạng thiết quân luật trong thời gian 60 ngày nhưng chỉ được quốc hội thông qua có 30 ngày. Mỹ, EU và NATO đương nhiên đứng về phía Ukraine. HĐBA LHQ cũng đã họp khẩn cấp. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuy không gay gắt với Nga nhưng cũng đã doạ sẽ huỷ cuộc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến được tổ chức bên lề hội nghị cấp cao sắp tới của nhóm G20 ở Argentina.
Mọi dấu hiệu biểu hiện ra ngoài và suy xét lợi ích ở cả hai phía đều cho thấy vụ việc được cả hai phía chủ ý để cho xảy ra. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko muốn vấn đề Ukraine và mối bất hoà với Nga lại trở thành chuyện thời sự hàng đầu ở châu Âu và trên thế giới, muốn các đồng minh và đối tác, đặc biệt là Mỹ, EU và NATO, công khai đứng về phía Ukraine và phản đối Nga nhằm khôi phục thực trạng xưa ở biển Azow hoặc nếu không được thì cũng đổ hết mọi trách nhiệm cho Nga, dùng căng thẳng với Nga để tranh cử tổng thống hoặc trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra ngày 31/3/2019. Phía Nga tận dụng chuyện này để thể hiện là sẵn sàng mạnh tay và quyết liệt trong chuyện với Crimea và với Ukraine, cảnh báo Ukraine và răn đe những đồng minh cũng như đối tác của Ukraine. Cả ông Poroshenko lẫn tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đều cần và đều muốn dùng kết quả đối ngoại trang trải những nhu cầu đối nội và cải thiện mức độ tín nhiệm ở trong nước. Hai bên đều không có ý định và sẽ không để cho chiến tranh bùng phát bởi chỉ cần như vừa rồi đã đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của họ./.