Biden sẽ thể hiện khác Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh với Putin?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 16/6 tại Geneve, Thụy Sỹ.

 

Cuộc gặp được xúc tiến trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cáo buộc tấn công mạng và những loại vũ khí hạt nhân mới mà Nga đang triển khai. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền.

Đáng chú ý, cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ diễn ra sau chuyến công du của Tổng thống Biden tới Anh để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và tới Brussels để gặp các nhà lãnh đạo NATO. Điều đó sẽ giúp ông Biden có nhiều thời gian tham vấn đồng minh của Mỹ trước khi gặp gỡ Tổng thống Putin.

Chương trình nghị sự phức tạp

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ “bao gồm toàn bộ các vấn đề cấp bách” trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách “khôi phục sự ổn định trong quan hệ với Nga”. Điều đó cũng đã được nhấn mạnh trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Iceland tuần trước. Ông Blinken cho biết, mục tiêu của Tổng thống Biden là tìm kiếm một “mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán” được với Nga.

Chương trình nghị sự dự kiến thảo luận về hành động của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Belarus chặn máy bay dân sự để bắt giữ nhà hoạt động đối lập, nỗ lực của hai quốc gia nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hiệp định kiểm soát vũ khí, cáo buộc Nga tấn công hệ thống máy tính của các công ty và chính phủ Mỹ. Bà Jen Psaki cho biết, không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào được đưa ra đối với cuộc gặp này.

Nhà Trắng không đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ lần này. Còn giới phân tích cho rằng, cuộc gặp nhiều khả năng sẽ không tạo ra một bước đột phá lớn nào trong quan hệ song phương và cũng khó đặt nền móng để thiết lập lại quan hệ Nga-Mỹ giống như những gì đã diễn ra dưới thời cựu tổng thống Barack Obama.

Một số quan chức Mỹ cho biết, từ khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Biden từng cảnh báo rằng rằng quan hệ Nga-Mỹ sẽ diễn tiến theo những chiều hướng phức tạp. Hiện giờ khi lên nắm quyền, ông đang nỗ lực tìm kiếm một số điểm chung với đối thủ trên chặng đường phía trước.

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “tình trạng hiện tại và triển vọng của quan hệ song phương, các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có cả sự tương tác giữa Nga và Mỹ khi đối phó với dịch bệnh và giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực”.

Chính sách “mềm nắn rắn buông”

Căng thẳng Nga-Mỹ leo thang, một phần do các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Biden áp đặt với Nga vào tháng 4 vừa qua, liên quan đến chiến dịch tấn công mạng SolarWinds và cáo buộc can thiệp bầu cử. Theo sắc lệnh của Tổng thống Biden, Mỹ áp đặt trừng phạt đối với 32 thực thể và cá nhân liên quan. Chưa dừng lại ở đó, Nga và Mỹ cũng đáp trả nhau bằng quyết định trục xuất một loạt nhà ngoại giao của hai nước.

Nếu các biện pháp nói trên được cho là “đòn roi ngoại giao” thì thông báo của chính quyền Biden về việc sẽ miễn trừ các lệnh trừng phạt của Quốc hội Mỹ đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức sắp được hoàn thành có thể giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai bên. Quyết định này cũng giúp tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Đức – vốn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Biden khi ông có kế hoạch khôi phục quan hệ Mỹ-EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hoan nghênh kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ. Bà Merkel cho biết: “Chính sách ngoại giao chỉ mang lại hiệu quả khi các bên đồng ý đối thoại với nhau”.

Sức ép phải khác Trump

Mục tiêu của Tổng thống Biden trong chính sách với Nga đánh dấu sự tương phản rõ rệt so với nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống Trump.

Khi cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên và duy nhất tại Helsinki, Phần Lan vào tháng 7/2018, ông Trump đã gây tranh cãi khi tuyên bố, ông tin vào khẳng định của Tổng thống Putin nói rằng Nga không can thiệp bầu cử Mỹ bất chấp kết luận trái ngược của cộng đồng tình báo Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống và suốt thời gian nắm quyền, ông Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà lãnh đạo Nga, mặc dù chính quyền của ông thông qua một số lệnh trừng phạt của Quốc hội đối với Moscow.

Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, Tổng thống Biden có thể nghĩ đến điều này trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Putin.

“Biden phải thể hiện tại cuộc gặp rằng ông không phải là Donald Trump. Ông ấy sẽ phải đưa ra quan điểm cứng rắn hơn và sẽ phải chứng tỏ với người dân Mỹ rằng ông đang giành chiến thắng ngoại giao trước Nga”, chuyên gia Dmitri Trenin nói. “Đây sẽ không phải là một sự kiện dễ dàng”.

Tương tự, Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ thể hiện rằng nước Nga sẽ không bao giờ chịu khuất phục. Trong thông điệp liên bang vào tháng 4/2021, ông Putin đã cảnh báo Mỹ và phương Tây không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga: “Bất kỳ ai đe dọa Nga sẽ hối hận và ước rằng giá như trước đây họ từng làm điều đó”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Reuters.

Kỳ vọng vào thượng đỉnh

Thượng đỉnh Biden-Putin có thể không mang lại những thỏa thuận song phương mang tính đột phá, nhưng chắc chắn sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là dịp để hai nhà lãnh đạo thiết lập mối liên hệ trực tiếp trong một nỗ lực nhằm ổn định quan hệ song phương. Theo giới phân tích, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ tránh xa những “màn diễn về ngoại giao” và bắt tay ngay vào giải quyết các vấn đề.

Mặc dù ông Biden theo đuổi lập trường cứng rắn với Nga hơn người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng một số nhà phân tích nói rằng, Điện Kremlin cũng nhận thấy những lợi ích khi đàm phán với một chính quyền có quan điểm nhất quán và dễ đoán định hơn ở Washington. Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết: “Chúng tôi mong đợi nếu cả hai bên đều nỗ lực thì một số yếu tố gây thêm căng thẳng sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, việc này sẽ không diễn ra nhanh chóng và dễ dàng”.

Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev – người từng có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Reagan tại Geneva năm 1985 cũng bày tỏ lạc quan về cuộc gặp này, nói rằng: “Hiện có một tổng thống mới trong Nhà Trắng và Nga có thể đàm phán với ông ấy”.

Đối với Tổng thống Biden, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này sẽ là một trong những phép thử lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo NewYork Times, BBC

 

Bình luận

    Chưa có bình luận