Ở châu Âu lại vừa xảy ra chuyện mới khiến cho chính trị châu lục, luật pháp quốc tế và rất có thể cả chính trị thế giới nữa trở nên sôi động. Nguồn gốc trực tiếp là việc chính phủ Belarus buộc chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Anh) bay qua không phận Belarus phải hạ cánh và bắt giữ nhân vật đối lập Raman Protasevich. Phía các nước thành viên EU và Anh phản ứng dữ dội, áp dụng ngay những biện pháp chính sách mới trừng phạt Belarus và công khai ngờ vực Nga liên quan trực tiếp tới chuyện này. Phía Nga coi vụ việc là chuyện nội bộ của Belarus và liên hệ đến việc mấy nước thành viên EU hồi năm 2013 đã không cho chuyên cơ của tổng thống Bolivia Evo Morales bay qua không phận buộc chiếc chuyên cơ này phải hạ cánh xuống Viên (Áo) để tiếp nhiên liệu và rồi lục soát với lý do nghi ngờ cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden có mặt trên chiếc chuyên cơ.
Thật ra, động cơ và mục đích của phía EU với chuyện mới này là biến đối sách thành nguyên tắc để ngăn ngừa tiền lệ trong giao thông hàng không và trong đối phó với phe đối lập ở châu Âu. EU chủ ý dùng việc nguyên tắc hoá này để phát đi thông điệp cảnh báo và răn đe chính quyền những nước như Belarus hay Nga và để phe đối lập ở những quốc gia trên châu lục như Belarus hay Nga không nhụt ý chí đấu tranh quyền lực với chính quyền.
Cho nên phía EU nhìn nhận vụ việc này không còn đơn thuần chỉ là chuyện tranh đấu quyền lực chính trị hay dân chủ nhân quyền thuần túy nữa ở Belarus mà nâng lên thành những chuyện với tác động vượt ra ngoài chuyện nội bộ ở Belarus khi coi vụ việc là khủng bố nhà nước, cướp máy bay và đe dọa an ninh hàng không. EU làm găng với Belarus cùng còn nhằm cả vào Nga nữa. Hệ lụy trực tiếp cho thời gian tới là mối quan hệ giữa EU với Belarus và Nga sẽ thêm căng thẳng và phức tạp, chuyện chính trị an ninh trên châu lục thêm sôi động và Nga sẽ được lợi khi Belarus bị EU đẩy gần hơn nữa về phía Nga./.
Ngân Hà