Ván cược vào ngoại giao vaccine có thể đem lại cho Trung Quốc thắng lợi trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đi kèm với những rủi ro lớn.
Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, Mỹ Latin đã ký thỏa thuận cung cấp 225 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ Trung Quốc, tương đương 36 liều/100 người. Tỷ lệ này cao nhất là ở Chile với 323 liều/100 người, tiếp theo là Brazil với 47 liều/100 người.
Trong khi đó, thỏa thuận vaccine của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á chỉ ở mức 31 liều/100 người, thậm chí thấp hơn cả Trung Đông với 35 liều/100 người. Trung và Đông Âu chỉ có 6 liều/100 người, nhưng vẫn cao hơn châu Phi với 4 liều/100 người.
Ở Nam Á, chỉ 1/100 người tiêm vaccine của Trung Quốc, chủ yếu là ở Pakistan. Ấn Độ, bất chấp sự gia tăng khủng khiếp số ca mắc Covid-19, vẫn chưa chấp nhận đề nghị cung cấp vaccine từ Trung Quốc.
Ngoại giao vaccine của Trung Quốc ở Mỹ Latin đã giúp nâng tầm vị thế của Bắc Kinh ở một khu vực mà nước này vốn vẫn đang phải chật vật để giành được ảnh hưởng ngoài phạm vi kinh tế.
Xu hướng chính trị có khả năng nghiêng về cánh tả trong các cuộc bầu cử sắp tới trong khu vực cũng có thể sẽ mang lại cho Trung Quốc cơ hội xây dựng đòn bẩy chính trị.
Tuy nhiên, về dài hạn, Trung Quốc đang cược lớn vào ngoại giao vaccine. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ giành được nhiều lợi thế, nhưng nếu thất bại, cái giá phải trả cũng không nhỏ.
Những chuyến bay chở vaccine tới Mỹ Latin
Vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc lần đầu tiên được đưa đến Mỹ Latin là khi Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho vaccine Sinovac. Điểm đến đầu tiên là Brazil vào tháng 7/2020, sau đó là Chile vào tháng 11 cùng năm.
Với số ca mắc Covid-19 trong nước đã ở trong tầm kiểm soát, các công ty dược phẩm Trung Quốc dù dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vaccine nhưng lại thiếu lực lượng tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Đó cũng là lý do họ tới Mỹ Latin.
Một số quốc gia - cụ thể là Chile, Peru và Brazil – trở thành những ứng viên đầu tiên với kỳ vọng điều này có thể tạo thuận lợi cho việc mua vaccine ngừa Covid-19. Và điều đó đã được thực hiện. Đến đầu tháng 2/2021, cả Brazil và Chile đều là những nước đầu tiên cung cấp vaccine Sinovac cho người dân. Khu vực Mỹ Latin cũng đang tìm mọi cách có được nguồn cung cấp vaccine, nhất là khi không có bất kỳ lô hàng nào của Mỹ hoặc Châu Âu.
“Trong khi Mỹ đang tích trữ vaccine thì Trung Quốc lại đang muốn tiếp cận. Trung Quốc làm điều đó rất mạnh tay. Họ đề nghị tổng thống hoặc bộ trưởng ngoại giao phải công khai đánh giá cao và cảm ơn Trung Quốc. Sau đó, bạn bắt đầu thấy cùng một tuyên bố, cùng 1 xu hướng xuất hiện ở nhiều quốc gia. Trung Quốc đang làm điều đó với tất cả các nước [trong khu vực], nhưng cũng tốt thôi, miễn là chúng tôi có những chuyến bay chở theo vaccine tới đây”, Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc nói.
Dịch Covid-19 có những ảnh hưởng bất cân xứng ở Mỹ Latin. Mặc dù chỉ chiếm 8% dân số thế giới, nhưng số người chết vì Covid-19 ở khu vực này lại chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
“Mỹ Latinh là tâm điểm trong đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2 cũng như cuộc khủng hoảng [kinh tế] tồi tệ nhất trong khu vực 120 năm qua. Cách nó được kiểm soát và cách mà các quốc gia khác phản ứng như thế nào với điều này sẽ được ghi nhớ trong một thời gian dài. Hiện nay, những gì các nước Mỹ Latin cần là vaccine. Và Trung Quốc đang làm rất tốt điều đó”, Jorge Heine, cựu đại sứ Chile tại Trung Quốc, cho biết ngày 24/5.
Mặc dù chính quyền Joe Biden gần đây đã cam kết xuất khẩu 80 triệu liều trên toàn cầu, nhưng hiện tại, vaccine Trung Quốc là lựa chọn duy nhất.
Tranh thủ mùa bầu cử ở Mỹ Latin để giành lợi thế chính trị
Theo một nghiên cứu gần đây của Liên Hợp Quốc, Mỹ Latin là khu vực chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhất [do dịch Covid-19] với mức giảm 7,7% trong năm 2020. Các hoạt động kinh tế sẽ khó có thể đạt đến mức trước đại dịch cho đến ít nhất là năm 2024.
Chính phủ các nước trong khu vực đang gặp phải áp lực lớn về tài chính khi thực hiện các gói viện trợ, trợ cấp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Mỹ Latin trong năm 2020 cũng giảm gần một nửa. Những yếu tố này khiến đồng nội tệ bị suy yếu, lạm phát tăng, ảnh hưởng đến khả năng trang trải các nhu cầu cơ bản của tầng lớp lao động.
Bối cảnh này thúc đẩy các chính trị gia theo đuổi nhiều hợp đồng vaccine hơn để mang lại những bước tiến trong cuộc chiến chống lại đại dịch, tránh suy giảm kinh tế hơn nữa và cũng để củng cố con đường chính trị của chính họ.
Tất cả điều này diễn ra khi một số quốc gia trong khu vực sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian tới và nhiều khả năng kết quả sẽ là chiến thắng cho cánh tả - khuynh hướng chính trị có khả năng thân thiện với Trung Quốc hơn.
Peru sẽ là nước có cuộc bầu cử sớm nhất vào ngày 6/6 tới, với cuộc bầu cử tổng thống vòng 2, trong đó ứng cử viên xã hội chủ nghĩa Pedro Castillo đang dẫn trước với cách biệt khá lớn so với đối thủ của mình, Keiko Fujimori - người đang tranh cử với sự ủng hộ của giới kinh doanh.
Cũng vào ngày 6/6, liên minh Morena thiên tả của Mexico nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được thế đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Ở Chile, tỷ lệ 75% không tán thành cho thấy chính phủ trung hữu của nước này sẽ khó có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Tại Brazil, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro, người bị chỉ trích khá nhiều về cách kiểm soát đại dịch Covid-19, chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ ở mức 23%, thấp hơn nhiều so với 41% của đối thủ - cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Cánh tả truyền thống ở Mỹ Latin vốn không có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, trong khi Washington ngày càng ưu tiên phục hồi trong nước hơn là cải thiện quan hệ với các nước láng giềng ở phía nam.
Cánh tả ở Mỹ Latin có thể sẽ cởi mở hơn với các mối quan hệ bằng hữu mới nếu đối tác mang có thể giúp họ xoa dịu các cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay.
Con đường tơ lụa trong lĩnh vực y tế
Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, các công ty Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp trị giá 60 tỷ USD [vào Mỹ Latin] trong 5 năm qua, chủ yếu vào cơ sở hạ tầng như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, theo lời kêu gọi gần đây của chính phủ về việc công nghệ và đổi mới đi đầu trong thúc đẩy năng suất, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đang chuyển dần khỏi các tài sản truyền thống như đường sá, tiện ích, và chuyển sang truyền thông và dữ liệu.
Công nghệ phát triển ổn định là một phần trong danh mục đầu tư của China Inc ở Mỹ Latin.
Huawei Technologies - ngoài việc quan tâm đến phủ sóng 5G trong toàn khu vực - đã thiết lập các trung tâm dữ liệu đám mây ở cả Brazil và Mexico. Tại Chile, tập đoàn này sẽ sớm ra mắt trung tâm dữ liệu thứ hai. Trong khi đó, khoản đầu tư năm 2019 của Tencent vào ngân hàng kỹ thuật số Brazil, Nubank, đang có kết quả khả quan. Công ty hiện có cơ sở khách hàng kỹ thuật số lớn nhất trong khu vực, với 35 triệu khách hàng cá nhân.
“Công nghệ rẻ hơn so với đường bộ và đường cao tốc trải dài khắp các quốc gia. Trung Quốc muốn [Sáng kiến Vành đai và Con đường] có chất lượng cao và Con đường tơ lụa y tế với các yếu tố công nghệ cao phù hợp hơn cả với mục tiêu đó”, theo Jacob Mardell, nhà nghiên cứu chuyên về Trung Quốc tại Viện Merics có trụ sở ở Berlin (Đức).
Cược lớn đi kèm với rủi ro lớn
Dù vậy, các loại vaccine Trung Quốc đang bị “đưa vào tầm ngắm” vì hiệu quả thấp hơn. Trong khi Sinopharm vượt trội hơn với tỷ lệ hiệu quả là 78%, thì loại này chỉ chiếm 6% trong các cam kết về vaccine của Trung Quốc ở Mỹ Latin. CanSino, với hợp đồng cung cấp 100 triệu liều cho Mexico, có hiệu quả 66%. Trong khi đó, Sinovac - chiếm 90% vaccine Trung Quốc ở Mỹ Latinh - có tỷ lệ hiệu quả chỉ là 50,4% theo các thử nghiệm lâm sàng mới nhất ở Brazil.
Chile, nước đã mua 60 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc, đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở mức kỷ lục trong tháng 3 và tháng 4. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về hiệu quả của vaccine Trung Quốc so với các loại vaccine phương Tây như Pfizer hoặc Moderna, với tỷ lệ hiệu quả lần lượt là 95% và 94%.
Sự xuất hiện của các biến thể mới cũng như hiệu quả của vaccine Trung Quốc đối với các biến thể mới này cũng là mối quan tâm thường trực trên khắp khu vực Mỹ Latin.
Cùng với sự hoài nghi đang nổi lên đối với vaccine của Trung Quốc là việc Bắc Kinh không thể chinh phục được “trái tim và khối óc” ở Mỹ Latin.
Cuộc thăm dò của Francisco Urdinez, một nhà phân tích của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie ở Chile, cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc của người dân Mỹ Latin nổi lên khi đại dịch bùng phát năm 2020 đã không được cải thiện, ngay cả đối với những người đã tiêm vaccine của Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Jennifer Bouey, nhà dịch tễ học tại Rand Corporation, nếu hiệu quả của vaccine thấp, sẽ mất nhiều thời gian hơn và cần nhiều người hơn để có được khả năng miễn dịch cộng đồng, dù ông thừa nhận “vaccine [của Trung Quốc] cũng bảo vệ cuộc sống của con người”.
Nếu việc triển khai vaccine ở Mỹ Latin không đạt được kết quả như kỳ vọng và không đạt được miễn dịch cộng đồng, điều đó có thể gây ra phản ứng dữ dội và cuối cùng gây nguy hiểm cho các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc trong khu vực./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP