Ngày 13/6 tới này sẽ là dấu mốc chính trị lịch sử đặc biệt đối với Israel và có thể đồng thời đối với cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh khi quốc hội Israel biểu quyết về việc thành lập chính phủ liên hiệp mới. Trong thời gian không đầy 2 năm và giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn còn lây lan ở đất nước này, cử tri Israel đã phải bốn lần đi bầu cử quốc hội. Sau ba lần bầu cử quốc hội trước, ông Benjamin Netanyahu luôn thành lập được chính phủ liên hiệp để có thể tiếp tục cầm quyền nhưng cả ba chính phủ ấy đều đoản thọ. Bây giờ, 8 đảng phái khác đã đạt được thoả hiệp thành lập chính phủ mới không có ông Netanyahu.
Điều đó có nghĩa là nếu việc biểu quyết trong quốc hội mới diễn ra suôn sẻ thì thời kỳ cầm quyền của ông Netanyahu sẽ chấm dứt - sau 12 năm liên tục. Trong những ngày này, ông Netanyahu và cộng sự không ngừng công kích quyết liệt các đảng tham gia thành lập chính phủ liên hiệp mới và lôi kéo các vị dân biểu thuộc các đảng này để phe thành lập chính phủ mới không có đủ đa số trong quốc hội khi biểu quyết thành lập chính phủ mới. Mưu tính của ông Netanyahu là chỉ cần chính phủ mới không thể thành lập nổi thì ở Israel sẽ lại có cuộc tổng tuyển cử lần thứ 5 và cơ hội cầm quyền của ông Netanyahu sẽ lại có thể chuyển biến được thành từ không đến có, từ tưởng như đã hết thành lại vẫn còn.
Cho nên cuộc biểu quyết về thành lập chính phủ liên hiệp mới sắp đến là thời khắc định mệnh đối với Israel. Trước hết vì nó sẽ quyết định chấm hết thời kỳ cầm quyền liên tục của ông Netanyahu và mở ra một thời kỳ chính trị và quyền lực nhà nước mới ở Israel hay mất ổn định chính phủ và chính trị xã hội vẫn tiếp tục. 8 đảng liên minh thành lập chính phủ mới vẫn bất đồng quan điểm rất sâu sắc với nhau về nhiều nội dung cầm quyền nhưng lại rất nhất trí với nhau ở mục tiêu không để cho ông Netanyahu tiếp tục cầm quyền và không để cho cử tri Israel lại phải đi bầu cử quốc hội lần thứ 5 trong thời gian không đầy 2 năm.
Tính định mệnh của quyết định thành lập chính phủ liên hiệp mới này còn thể hiện ở chỗ lần đầu tiên kể từ khi lập quốc Israel cách đây 74 năm đến nay có sự tham gia cầm quyền của đảng Raam của người Ả rập. Chính phủ liên hiệp mới bao gồm cả đảng cánh hữu lẫn cánh tả, bảo thủ lẫn cấp tiến, đảng của người Do Thái lẫn đảng của người Ả rập ở Israel. Vì thực trạng này mà chính phủ liên hiệp mới có thể rất dễ dàng bị đổ vỡ nhưng biết đâu đấy lại có thể là giải pháp thích hợp nhất đối với Israel hiện tại để khắc phục tình trạng mất ổn định chính phủ và chính trị xã hội.
Chính phủ liên hiệp mới đa dạng về thành phần đảng phái chính trị tham gia như thế thì đương nhiên chính sách đối nội và đối ngoại của Israel cũng sẽ không còn như trước nữa liên quan đến triển vọng của cuộc chung cư giữa người Do Thái và người Ả rập ở Israel, đến mối quan hệ giữa Israel và Palestine, đến chính sách của Israel đối với những khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng trái phép và dần thôn tính từ nhiều thập kỷ nay ở miền đông Jerusalem, bờ tây sông Jordan và dải Gaza. Chính phủ liên hiệp mới này nếu rồi đây thay thế chính phủ của ông Netanyahu chắc chắc còn điều chỉnh chính sách và thay đổi cách thức quan hệ của Israel với Mỹ và các nước Ả rập trong khu vực. Iran và Hamas vẫn bị coi là những kẻ thù đáng gờm nhất của Israel nhưng chính phủ liên hiệp mới ở Israel sẽ lưu ý đến thái độ và lợi ích của Mỹ và các nước Ả rập nhiều hơn trong xử lý vấn đề Hamas và quan hệ của Israel với Iran.
Từ đó có thể thấy, sự thay đổi chính phủ ở Israel như đang dần định hình rõ hiện tại đưa lại chuyển biến rất sâu sắc không chỉ ở Israel mà còn ở cục diện quan hệ giữa các bên ở trong cũng như ngoài khu vực và ở diễn biến tình hình chính trị an ninh trong khu vực./.
Hoàng Lan