5 năm chuyện Brexit

Nội bộ chính trường và xã hội nước Anh hiện tại vẫn trong tình trạng bị phân rẽ sâu sắc như cách đây 5 năm.

 

Cách đây đúng 5 năm, đa số rất mong manh cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý đã quyết định đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Cách đây gần nửa năm, mọi thủ tục pháp lý quốc gia và quốc tế cần thiết cho việc thực hiện Brexit đã được hoàn tất. Giữa Anh và EU có thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại mới, việc triển khai thực hiện cụ thể thoả thuận này có nhiều trục trặc nhưng về cơ bản vẫn ổn. Chuyện Brexit mất dần tính thời sự chính trị trên châu lục.

Ở nước Anh, Brexit cũng không còn được bàn thảo gì nữa. Một phần vì chuyện đã như ván đóng thành thuyền và không còn có thể đảo ngược. Phần nữa là sau 5 năm, chính trường và xã hội ở Anh gần như không thay đổi quan điểm đã từng có cách đây 5 năm về Brexit, tức là phe nào khi xưa ủng hộ Brexit thì nay vẫn ủng hộ và phái nào lúc ấy phản đối Brexit thì nay vẫn phản đối. Nội bộ chính trường và xã hội nước Anh hiện tại vẫn trong tình trạng bị phân rẽ sâu sắc như cách đây 5 năm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (Đảng Bảo thủ) khá thành công trong việc chèo lái nước Anh vượt qua sóng gió của chuyện Brexit. (Ảnh minh hoa: AFP/TTXVN)

Thực tiễn 6 tháng vừa qua, tức là từ khi nước Anh chính thức ra khỏi EU cả trên danh nghĩa lẫn trong thực tế, chưa đủ để ở Anh có được đa số lớn đủ mức đại diện cho cả đất nước ngả hẳn về chiều hướng quan điểm nhận thức nào giữa quyết định Brexit là sai lầm tai hại hay hết sức đúng đắn và thức thời.

Hai vấn đề vướng mắc nổi lên trong mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit là hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển giữa Anh với Pháp và giao thương cho con người và hàng hóa qua biên giới giữa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland (do Anh quản lý). Anh và EU đã đạt được thoả thuận nhất thời và vì thế chỉ là tạm thời để giải quyết vấn đề đánh bắt hải sản trong khi vấn đề thứ hai vẫn chưa có được định hướng giải pháp dứt điểm và lâu bền.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra làm cho việc thực hiện những thỏa thuận giữa Anh và EU về Brexit thêm phức tạp bởi cả hai phía đều trở thành tâm điểm nổi bật của diễn biến dịch bệnh lây lan.

Brexit đẩy nước Anh vào tình thế khó khăn và dịch bệnh làm tăng thêm mức độ khó khăn ấy. Năm năm qua, chuyện Brexit đã buộc cử tri Anh phải nhiều lần đi bầu cử quốc hội, khiến hai thủ tướng phải từ chức. Đảng Bảo thủ vẫn duy trì được vị thế cầm quyền trong khi Công đảng và các đảng ủng hộ Brexit dường như vẫn loay hoay trong việc tìm định hướng chính sách thích hợp cho thời kỳ mới, vì thế đều bị Đảng Bảo thủ bỏ xa trong tỷ lệ phiếu bầu và mức độ tín nhiệm của cử tri.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (Đảng Bảo thủ) khá thành công trong việc chèo lái nước Anh vượt qua sóng gió của chuyện Brexit, tận dụng triệt để sự phân hoá trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Anh để thúc đẩy Brexit. Ông Johnson giành về được nhiều nhượng bộ mới của EU, cho đến nay giữ được vị thế của trung tâm tài chính lớn nhất ở châu Âu cho thủ đô London. Tuy nhiên, ông Johnson vẫn chậm trễ trong việc thực hiện những cuộc cải cách chính trị, pháp lý và kinh tế, xã hội mà nước Anh không thể không tiến hành ở thời kỳ hậu Brexit.

Về đối nội thì chưa rõ ràng nhưng về đối ngoại thì lại hoàn toàn khác. Ông Johnson đã xác định cho nước Anh là phát triển đảo quốc trở thành "Nước Anh toàn cầu" thay thế cho nước Anh chỉ là một thành viên của EU. Sau khi rời xa liên minh gần thì ông Johnson phải liên kết nước Anh với các đối tác xa, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ của Anh với Mỹ được ông Johnson coi trọng hàng đầu và người này như thể có được đầy đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà khi ở Mỹ có sự thay đổi chính phủ. Ông Johnson rất chủ động và nhanh nhẹn với việc tìm kiếm thoả thuận thương mại tự do song phương với các đối tác xa. Nước Anh cũng đã bắt đầu đàm phán về việc gia nhập CPTPP. Xem ra, hiện chưa nhiều nhưng Brexit đang làm nước Anh không thể không tự chuyển đổi./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận