Tổng thống Afghanistan thăm Mỹ: Tìm kiếm 'đòn bẩy' trên bàn đàm phán...

Chính phủ Afghanistan cần Mỹ đảm bảo hỗ trợ ở giai đoạn hậu rút quân giữa bối cảnh Washington là bên duy nhất mà Taliban trực tiếp ký kết 1 thỏa thuận hòa bình.

 

Mục đích chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Afghanistan

Tổng thống Afghanistan sẽ có chuyến thăm Mỹ vào cuối tuần này. Tháp tùng ông Ashraf Ghani trong chuyến thăm Mỹ này có ông Abdullah Abdullah, nhân vật đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, chuyến thăm nhằm khẳng định mối quan hệ đối tác bền vững giữa Mỹ và Afghanistan vào thời điểm quan trọng đối với tương lai Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.

Cũng theo người phát ngôn Nhà Trắng, chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ người dân Afghanistan và tiếp tục gắn bó sâu sắc với Kabul để đảm bảo "đất nước này không bao giờ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố gây ra mối đe dọa cho Mỹ". Dự kiến, trong chuyến thăm tới Mỹ lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sẽ có cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng.

Kể từ khi quân đội Mỹ rút quân hồi đầu tháng 5 vừa qua, lo ngại về an ninh Afghanistan ngày càng gia tăng với các vụ giao tranh ác liệt giữa các tay súng Taliban và lại lực lượng chính phủ. Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Tối cao Quốc gia Abdullah Abdullah đã rời thủ đô Kabul hôm qua (23/6) để tới Washington DC gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đi cùng 2 lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Afghanistan còn có Phó tổng thống thứ nhất Amrullah Saleh, Cố vấn An ninh Quốc gia Hamdullah Mohib, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Hanif Atmar, và Đại diện Afghanistan tại Liên Hợp Quốc.

Trong thông cáo ngày 20/6, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden chào đón các nhà lãnh đạo Afghanistan để thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Afghanistan và tiến trình hòa bình đang diễn ra tại quốc gia Nam Á này sau thời điểm 11/9 tới, khi quân đội nước ngoài chấm dứt sự hiện diện tại Afghanistan. Đây là thời điểm quan trọng đối với tương lai hòa bình của Afghanistan khi mà lực lượng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại nước này suốt 20 năm qua sẽ rút đi, để lại một khoảng trống về an ninh.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, lực lượng Taliban đang tăng cường các cuộc tấn công, khủng bố nhằm giành giật lãnh thổ với các lực lượng chính phủ. Mối đe dọa lớn nhất hiện tại là Afghanistan sẽ trở lại cảnh nội chiến trên diện rộng khi Taliban ngày càng tỏ rõ quyết tâm xóa bỏ thành quả dân chủ hòa bình suốt 2 thập kỷ qua. Những quan ngại rằng Taliban vẫn đang hậu thuẫn và hợp tác với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay IS lại nổi lên. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan ở Doha gần như đã đi vào ngõ cụt. Cơ hội để giải quyết vấn đề xung đột thông qua giải pháp đàm phán giờ coi như chấm hết. Đây chính là lúc chính phủ Afghanistan cần một sự đảm bảo của Mỹ rằng sẽ vẫn hỗ trợ đất nước này giai đoạn hậu rút quân.

“Đòn bẩy” trên bàn đàm phán và trên chiến trường

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm tới Mỹ lần này, Tổng thống Afghanistan Ghani sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden. Mục tiêu của phái đoàn nhà nước Afghanistan tới Mỹ lần này không gì khác ngoài việc nhận được sự đảm bảo của phía Mỹ rằng sẽ không “bỏ rơi” Afghanistan sau ngày 11/9/2021. Thực sự, đất nước Afghanistan đang đứng trước một viễn cảnh tiêu cực phía trước, và thiếu sự hậu thuẫn của Mỹ, tình hình có thể sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Cần thấy rằng suốt hai thập kỷ qua, Mỹ và các đồng minh đã hỗ trợ chính phủ Afghanistan và các lực lượng an ninh chống lại các làn sóng tấn công của Taliban, trong khi lại làm ngơ trước thực tế là lực lượng này cùng nhiều tổ chức khủng bố vẫn tiếp tục trú ngụ, tập hợp lực lượng ở bên trong lãnh thổ nước láng giềng Pakistan. Chính vì thế, Taliban đã sống sót và trở nên mạnh hơn suốt nhiều năm qua.

Năm 2020, chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump lại quyết định ký thỏa thuận hòa bình với Taliban để thu xếp một tương lai có lợi cho mình. Thỏa thuận này thực tế chưa mang lại bất kỳ hy vọng hòa bình nào cho Afghanistan ngoại trừ việc nâng vị thế của Taliban từ một nhóm khủng bố thành một đối tác chiến lược ngang hàng với Mỹ. Đây chính là một điểm bất lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ quốc gia Nam Á này.

Điểm cần lưu ý nữa là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân từ đầu tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 9 tới, trong khi cả Mỹ và Taliban đều chưa hoàn thành các điều kiện quy định trong thỏa thuận giữa đôi bên. Hòa bình ở Afghanistan giờ đây như một “tấm áo vá dở”. Thậm chí, quyết định mang nặng tính chính trị của Tổng thống Mỹ không phải là điều mà các quan chức tình báo và quân đội Mỹ mong đợi.

Còn chính phủ Afghanistan đang cần “đòn bẩy” của Mỹ để giành chiến thắng trên bàn đàm phán và cả trên chiến trường với Taliban. Trong bối cảnh khoảng 50% lãnh thổ Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của Taliban và các nhóm khủng bố xuyên quốc gia, an ninh, ổn định sẽ tiếp tục là thách thức to lớn đối với cả chính phủ Afghanistan hiện tại và cả khu vực. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN gần đây, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho rằng việc rút quân của Mỹ không hẳn là cơ hội hay mối đe dọa với bất cứ ai. Đây là thời điểm bắt đầu sự bất định, mà ở đó cần phải có sự quyết tâm và giải pháp đúng để đưa Afghanistan trở lại với hòa bình. Chuyến thăm Mỹ và cuộc gặp với Tổng thống Biden ngày 25/6 sẽ quyết định hình thức mà Mỹ sẽ hỗ trợ cho hòa bình ở Afghanistan sau thời điểm 11/9, từ đó sẽ giúp con đường đi tới ổn định, hòa giải, hòa bình tại đất nước này.

Vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan

Chính phủ Mỹ từng nhiều lần khẳng định, các cuộc dàn xếp thương lượng giữa Afghanistan và Taliban là cách duy nhất để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài trong hàng chục năm qua.

Cho dù chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan sau 20 năm nhưng Mỹ vẫn có vai trò rất lớn với hòa bình và ổn định tại chiến trường Nam Á này. Thứ nhất, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất, đối tác có tiếng nói trọng lượng nhất với chính phủ Afghanistan hiện nay. Điều đáng ngại nhất với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani hiện tại là khả năng Mỹ không thể kịp thời can thiệp trong trường hợp Taliban mở rộng phạm vi gây hấn và lấn chiếm lãnh thổ, đặt các lực lượng an ninh chính phủ trước nguy cơ thất bại trên diện rộng. Bên cạnh sức mạnh trên chiến trường, chính quyền ở Kabul cũng cần Washington ở bên trong các khuôn khổ đàm phán hòa bình với Taliban, đặc biệt là cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới, bởi dù sao, Mỹ vẫn là bên duy nhất mà Taliban trực tiếp ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của hòa bình và ổn định, cũng như chiến thắng trong cuộc xung đột với Taliban hiện tại có thể đang nằm trong tay chính phủ nước này. Lý do để Taliban trỗi dậy và gây chiến chính là sự hiện diện của binh lính Mỹ suốt 20 năm qua. Nhưng điều này sắp không còn nữa. Vì thế, đây chính là thời điểm quyết định. Chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani sẽ phải tập hợp cho được đông đảo các thành phần trong xã hội, từ các tầng lớp trí thức, đảng phái, các nhóm sắc tộc trong cả nước nhằm chống lại sự trỗi dậy bạo lực của Taliban. Muốn đạt được điều đó, bộ máy chính quyền phải gạt sang bên những bất đồng phe phái, làm sạch nạn tham nhũng và chứng tỏ khả năng điều hành. Chỉ khi xác lập được tính chính danh, sự đoàn kết của người dân sẽ giúp đẩy lui Taliban./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận