Ý tưởng thành lập “NATO thương mại”
Các chính trị gia có lập trường cứng rắn ở Anh và một nhóm vận động hành lang công nghiệp của Mỹ đã kêu gọi các đồng minh phương Tây thành lập "NATO thương mại" nhằm đối phó với việc Trung Quốc "vũ khí hóa các công cụ chính sách để trừng phạt bất kỳ quốc gia nào không nghe theo Bắc Kinh".
Đề xuất này kêu gọi các quốc gia dân chủ thành lập một liên minh thương mại tương tự như hình thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - một liên minh quân sự được thành lập năm 1949 với mục đích ban đầu là đối phó với Liên Xô.
Theo các quy tắc của NATO, các thành viên đều nhất trí, khi một thành viên trong liên minh bị tấn công, toàn bộ liên minh sẽ hành động để bảo vệ thành viên đó.
Tương tự vậy, các thành viên ủng hộ đề xuất Tổ chức Hiệp ước Liên minh các nền dân chủ (DATO) cũng kêu gọi đáp trả trước các biện pháp cưỡng ép của Trung Quốc nhằm vào bất kỳ thành viên nào trong liên minh.
Một báo cáo về đề xuất này đã được nêu ra bởi Nhóm Nghiên cứu về Trung Quốc - một nhóm các nghị sĩ bảo thủ có lập trường cứng rắn ở Anh và Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin - một tổ chức nghiên cứu chính sách công nghệ và khoa học có liên quan đến chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ lớn.
Báo cáo trên cũng nêu ra những ví dụ về cách thức liên minh này hoạt động. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc đe dọa rút du học sinh ở một nước phụ thuộc vào nguồn thu từ các du học sinh Trung Quốc, các quốc gia khác sẽ cấm du học sinh Trung Quốc để đáp trả. Hoặc nếu Trung Quốc đe dọa đưa các công ty của một quốc gia nào đó vào danh sách các thực thể không đáng tin, liên minh này sẽ hạn chế nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc.
Đề xuất này hiện vẫn chưa nhận được sự ủng hộ chính thức khi chính phủ Anh từ chối đưa ra bình luận, song nó cho thấy các nghị sĩ có quan điểm cứng rắn ngày càng kiên quyết hơn trong việc định hình chính sách với Trung Quốc cũng như thể hiện thái độ với Bắc Kinh.
Các tác giả của đề xuất cho biết, báo cáo này được tiến hành nhằm đề ra các biện pháp phản ứng trước những hành động hung hăng của Trung Quốc giữ bối cảnh phương Tây chưa có một lập trường thống nhất trong việc đối phó với nước này.
Các động thái kinh tế của Trung Quốc trong 18 tháng qua đã gây chú ý khi đại dịch Covid-19 lan rộng và thái độ không hài lòng với nước này ngày càng gia tăng.
Australia đã hứng chịu các biện pháp hạn chế thương mại của Trung Quốc sau khi Canberra yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19, khiến Bắc Kinh cắt giảm nhập khẩu một loạt hàng hóa từ nước này như rượu vang, than đá, gỗ và lúa mạch.
Các tổ chức đa phương khác nhau như NATO và G7 đều có lập trường ngày càng cứng rắn với Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng cáo buộc 2 tổ chức trên can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Stephen Olson, cựu quan chức đàm phán thương mại Mỹ cho biết, ý tưởng về một "NATO thương mại" được đem ra thảo luận "đã cho thấy các đối tác thương mại của Trung Quốc có sự thận trọng nghiêm túc về việc liệu trao đổi thương mại với nước này có đem lại lợi ích cho các bên hay không?”
"Các chính sách vì lợi ích của Trung Quốc đã thúc đẩy các đối tác thương mại chủ chốt của nước này ngày càng xem xét nghiêm túc về những đề xuất kiểu như đề xuất trên", ông Olson, hiện là học giả nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich cho hay.
Nói dễ hơn làm
Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và là cố vấn tại Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, bất kỳ kế hoạch nào nhằm xây dựng thêm các liên minh đối phó với Bắc Kinh "đều sẽ không tốt cho Trung Quốc", thậm chí cả khi nội dung chi tiết về đề xuất này vẫn còn mơ hồ.
"Một điều bất lợi cho Trung Quốc hiện nay là các quốc gia NATO nhìn chung tin là họ không thể phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc bởi nếu không, các nước này có thể rơi vào tình huống tương tự như Australia và Canada khi cả hai đều bị Trung Quốc chi phối", chuyên gia Shi nhận định.
"Nguyên tắc nhất quán này là điều rất bất lợi với Trung Quốc nhưng việc thực hiện như thế nào là một vấn đề phức tạp hơn".
Dù vậy, các nhà phân tích đều hoài nghi về tính khả thi của ý tưởng "NATO thương mại" khi tính đến những rủi ro về lợi ích thương mại, cũng như những khó khăn để các quốc gia hành động chung.
Bryan Mercurio, một giáo sư về luật thương mại tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, khi lúa mạch Australia hứng chịu các biện pháp hạn chế của Trung Quốc vào năm ngoái, các nhà xuất khẩu Mỹ đã nhanh chóng lấp chỗ trống này.
"Về thương mại, các vấn đề lợi ích sẽ gây ra nhiều sự dao động. Tôi cho rằng những rạn nứt sẽ nảy sinh khi tính đến các lợi ích thương mại", ông Marcurio đánh giá.
Rebecca Christie, một học giả tại tổ chức nghiên cứu Bruegel tại Brussels, Bỉ cho rằng "sẽ không có sự thống nhất" trong các nền dân chủ phương Tây, trong khi sự thống nhất là điều kiện tiên quyết để tiến hành các hoạt động của một liên minh.
"Không có cách nào để khiến tất cả mọi người đều nhất trí. Họ có thể nói rằng: 'Hãy thành lập một liên minh chống Trung Quốc, hãy đánh bại họ trong cuộc chơi của chính mình'. Và rồi họ tiến hành cuộc gặp đầu tiên nhưng rồi liệu họ có thể đưa ra quyết định cuối cùng hay không?", chuyên gia này đặt câu hỏi./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: SCMP