Thế giới gấp rút điều chỉnh kế hoạch tiêm vaccine để đối phó với biến thể Delta

Để đối phó với biến thể Delta, các quốc gia điều chỉnh kế hoạch tiêm vaccine bao gồm tiêm chéo các loại, khuyến cáo tiêm liều thứ 3 với người có miễn dịch yếu.

 

Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang đặt thế giới vào giai đoạn nguy hiểm. Các nước ngay lập tức điều chỉnh kế hoạch tiêm vaccine bao gồm tiêm kết hợp các loại vaccine, khuyến cáo tiêm liều thứ 3 đối với người có hệ miễn dịch yếu...

Với sự xuất hiện của biến thể Delta, hàng loạt các quốc gia từ châu Âu đến châu Mỹ có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, đảo ngược mọi kế hoạch dập dịch hơn 1 năm qua. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, sự xuất hiện của biến thể Delta khiến thế giới rơi vào "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch.

Ảnh minh họa: KT

“Chúng ta lại chứng kiến sự quá tải của các bệnh viện tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Biến thể Delta rất nguy hiểm và đang tiếp tục phát triển và đột biến, đòi hỏi phải được đánh giá liên tục và điều chỉnh trong kế hoạch phản ứng sức khỏe cộng đồng”, ông Ghebreyesus nói.

Để đối phó với biến thể Delta, các nước đang thay đổi chiến lược tiêm vaccine. Theo các nhà khoa học, việc tiêm hai loại vaccine khác nhau có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, do vaccine kích thích các khu vực khác nhau của hệ thống miễn dịch. Không chỉ kết hợp hai hãng vaccine khác nhau mà còn phối hợp hai vaccine với công nghệ bào chế khác nhau.

Đánh giá thực tế tại Đức cho thấy những người được tiêm chéo hai loại vaccine khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch "vượt trội rõ ràng" hơn so với những người tiêm 2 liều vaccine. Vì vậy Bộ Y tế Đức đang lên kế hoạch kết hợp mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca, với mũi thứ hai của thế hệ vaccine công nghệ mRNA như của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.

Bộ trưởng Y tế Đức Gien Span (Jens Spahn) nhấn mạnh: “Điều quan trọng là nước Đức có đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu này. Trước tiên chúng ta có đủ vaccine công nghệ MRNA để thực hiện theo khuyến nghị. Có thể chưa diễn ra ngay lập tức, ở mọi nơi nhưng có thể sớm đưa vào kế hoạch triển khai”.

Kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch yếu.

“Những kết quả thực tế cho thấy khi tiêm mũi thứ ba vaccine Oxford Astrazeneca giúp bạn tăng cường khả năng miễn dịch kháng thể, giúp đẩy kháng thể cao hơn sau mũi thứ hai”, Chuyên gia Teresa Lambe thuộc trường Đại học Oxford nhận định.

Bộ Y tế Israel khuyến cáo những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba của Pfizer. Các quan chức Anh cũng đề xuất tiêm vaccine mũi 3 cho những người trên 50 tuổi. Việc điều chỉnh kế hoạch vaccine này cũng chỉ được thực hiện tại những quốc gia có đủ nguồn lực trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn còn hạn hẹp. Chính vì vậy các chuyên gia y tế cho rằng, việc tiêm mũi thứ 3 là chưa cần thiết, tiêm đủ hai mũi theo khuyến cáo đã giúp bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ lây nhiễm.

Cuộc đua bào chế các loại vaccine chống biến thể mới cũng đang nóng lên giữa các hãng dược phẩm. Hãng dược Sanofi của Pháp hôm qua thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ euro vào bào chế vaccine ngừa Covid-19 phát triển theo công nghệ mRNA. Các quốc gia cũng đẩy mạnh bào chế vaccine nội địa, với tâm thế sẵn sàng sống chung lâu dài với Covid-19./.

Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp

 

Bình luận

    Chưa có bình luận