Thành công chống dịch hay buông bỏ ở Anh?

Thực tiễn ở mọi nơi cho thấy kiên định ứng phó đẩy lùi dịch bệnh mới là chuyện khó và cần kiên định quyết tâm, bản lĩnh và tầm vóc lãnh đạo chứ buông bỏ thì dễ.

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự định từ ngày 19/7 tới bãi bỏ tất cả mọi quy định đã được áp dụng từ trước đến nay nhằm đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trên thực tế, nước Anh của ông Johnson đã gần như không còn bị ràng buộc vào quy định phòng chống dịch bệnh nào nữa khi chính phủ cho phép hơn 60.000 khán giả vào sân vận động xem trực tiếp những trận thi đấu trong khuôn khổ giải vô định bóng đá châu Âu đang diễn ra và cho phép tụ tập đông người để cùng xem trận đấu ở các nơi công cộng.

Chủ trương này của ông Johnson được đông đảo dân chúng ở Anh hoan nghênh nhiệt liệt. Họ coi ngày 19/7 sắp tới là Ngày của Tự do và dấu mốc lịch sử. Những tiếng nói phản đối và lo ngại bị lấn át hết. Lo lắng và không đồng tình của các nước trên châu Âu lục địa, của EU và của Tổ chức Y tế thế giới đều bị ông Johnson phớt lờ và bất chấp. Nước Anh đã ra khỏi EU (Brexit) và lại còn là đảo quốc nên ông Johnson càng thêm tự tin để "ta đi đường ta, ai nói gì cũng mặc" trong chuyện này. Những lo ngại của bên ngoài không phải không có cơ sở xác đáng.

Người dân đeo khẩu trang phòng Covid-19 tại London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dịch bệnh ở nước Anh hiện tại tuy không còn trầm trọng như trước nữa, nhưng vẫn còn đáng lo ngại, số ca lây nhiễm dịch bệnh mới vẫn còn cao, biến chủng virus Delta vẫn đang lây lan và mới chỉ có khoảng nửa dân số trên đảo quốc này được tiêm chủng đầy đủ. Ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung đến nay đã có nhiều nơi thành quả chống dịch còn khả quan hơn Anh rất nhiều nhưng vẫn chưa dám tính đến chuyện bãi bỏ tất cả các biện pháp chống dịch như ông Johnson giờ dự định làm ờ Anh.

Ông Johnson lập luận cho quyết định đưa nước Anh trở lại thời như chưa có dịch với quả quyết là chính phủ Anh đã rất thành công với công cuộc chống dịch bệnh cho tới nay và với quan điểm cho rằng phải chung sống với dịch bệnh. Nếu như coi việc số người bị lây nhiễm dịch bệnh và số người vị chết vì dịch bệnh giảm cũng như có nhiều người được tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh là thành công chống dịch thì lập luận trên của ông Johnson có cơ sở nhất định.

Chung sống với dịch bệnh theo quan điểm trên của người này có nghĩa là không cần phải đối phó dịch bệnh gì nữa. Những quan điểm này của ông Johnson hiện biệt lập như trường hợp ngoại lệ trên thế giới. Bởi thế, câu hỏi được đặt ra ngay ở bên ngoài nước Anh là nước Anh đã thành công trong công cuộc chống dịch hay ông Johnson đã buôn bỏ chuyện chống dịch. Châu Âu lo ngại bởi nước Anh trở thành ổ dịch lớn mới thì cả châu lục không tránh khỏi bị vạ lây và nếu lục địa đánh xuôi mà đảo quốc thổi ngược trong chuyện chống dịch thì biết đến bao giờ châu Âu mới thoát được ra khỏi dịch bệnh.

Có hai lý do được đưa ra để lý giải chính sách đầy mạo hiểm và rủi ro này của ông Johnson. Thứ nhất là ông Johnson lại chơi con bài dân tuý. Cử tri mong muốn vậy thì thủ tướng quyết định vậy và hành động vậy. Thứ hai là ông Johnson muốn thể hiện rằng nước Anh sau khi ra khỏi EU làm việc gì cũng thành công hơn EU.

Thực tiễn ở mọi nơi trên thế giới cho thấy kiên định ứng phó dịch bệnh để đẩy lùi dịch bệnh mới là chuyện khó và cần kiên định quyết tâm, bản lĩnh và tầm vóc lãnh đạo chứ buông bỏ thì dễ. Chỉ dùng vaccine và tâm lý cùng chung sống với dịch bệnh như ông Johnson mưu tính có thể đưa lại hiệu quả nhất định sau thời gian nhất định ở nhưng nơi hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Nước Anh hiện không phải là một ốc đảo không ai biết.

Chung sống với dịch bệnh theo cách tiếp cận đúng đắn nhất phải là vừa đối phó với dịch bệnh vừa tìm cách bình thường hóa trở lại cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế chứ không phải buông bỏ ứng phó dịch bệnh./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận