Hội nghị an ninh thường niên ở Munich (Đức) được coi như một dạng "diễn đàn thế giới về chính trị an ninh". Diễn biến của hội nghị cho thấy thế giới suy ngẫm như thế nào và trù liệu những gì về thực trạng và tương lai của chính trị an ninh chung.
Năm nay, ở đó bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trong thời gian gần đây sự bất hoà giữa Mỹ, EU và Trung Quốc với nhau. Nó thể hiện rất sinh động và cụ thể ở cuộc khẩu chiến giữa ba đối tác này với nhau tại hội nghị. Cuộc khẩu chiến của họ và mối bất hoà giữa các đối tác này với nhau xoay quanh chủ đề nội dung thương mại và an ninh, cụ thể là tự do thương mại bay bảo hộ thương mại, giải trừ vũ trang hay tăng cường vũ trang, xử lý xung đột hay kích hoạt xung khắc.
Mỹ hiện duy trì cuộc xung khắc thương mại với cả EU và Trung Quốc. EU và Trung Quốc phải đối phó và đáp trả việc bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của họ xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thực chất ở đây còn là cuộc giằng co giữa Mỹ và hai đối tác này về thực thi tự do hóa mậu dịch hay chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương nói riêng và trên thế giới nói chung.
Mỹ cũng nhằm vào hai đối tác này nữa khi quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký kết với Liên Xô năm 1987. Mỹ rút khỏi INF nên Nga cũng từ bỏ hiệp ước này. Đối với EU và Trung Quốc, hệ luỵ của việc hiệp ước INF bị từ bỏ là mối quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên thêm khúc mắc không đáng kể bằng tác động trực tiếp của việc hiệp ước INF bị huỷ bỏ tới lợi ích an ninh của họ là nguy cơ chạy đua vũ trang, kể cả chạy đua vũ trang hạt nhân mới trên thế giới mà họ không thể tránh khỏi bị lôi kéo vào. Các thành viên EU và NATO ở châu Âu phải tính đến việc đối phó với Nga sau khi hiệp ước INF bị huỷ bỏ. Trung Quốc phải đối phó với một thực tế là bị thúc ép từ nay phải tham gia vào quá trình giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Mỹ và Nga từ bỏ INF nên từ nay sẽ không còn chuyện chỉ có hai đối tác này chịu giải trừ vũ khí hạt nhân. Phía Mỹ đã nêu công khai một trong những lý do khiến Mỹ quyết định rút ra khỏi hiệp ước INF là trên thế giới có những nước khác không hề bị ràng buộc và kiểm soát bởi hiệp ước INF như Mỹ và Nga.
Giữa Mỹ và EU còn có sự bất đồng quan điểm về việc Mỹ rút ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và về quyết định của Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria. Cả hai chuyện này đều động chạm tới cả Trung Quốc nhưng không đến mức làm cho Trung Quốc và Mỹ khẩu chiến với nhau ở Munich vừa qua. Nhu cầu đối phó và đáp trả Mỹ được EU và Trung Quốc ưu tiên tới mức chuyện EU hùa theo Mỹ làm khó những tập đoàn kinh tế của Trung Quốc như Huawei hay ZTE và cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc được hai bên chủ ý gạt sang bên.
Có thể thấy được là mối bất hoà giữa ba đối tác này với nhau càng ngày càng mang tính nguyên tắc và thêm khó khắc phục. Mỹ và Trung Quốc tuy tiếp tục đàm phán thương mại nhưng dẫu có đạt được thoả thuận thì cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên cũng chỉ được xử lý nhất thời và tạm thời trong khi bóng phủ của cuộc chiến tranh thương mại vẫn còn rất đen đậm và cuộc cạnh tranh chiến lược không suy giảm mức độ quyết liệt. Mỹ sẽ còn gia tăng áp lực đối với EU và Mỹ trên cả nhiều phương diện khác nữa. Mối quan hệ của EU với Mỹ và Trung Quốc vì thế không thể yên bình và hài hoà trong thời gian tới. Quan hệ quốc tế nói chung trên thế giới cũng vì thế mà còn biến động bất ngờ.