Tân tổng thống Mỹ Joe Biden tự nhận về sứ mệnh rất đặc biệt mà nhờ đấy sẽ được đi vào lịch sử nước Mỹ theo cách cũng rất đặc biệt. Người này không phát động hai cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq nhưng là tổng thống Mỹ kết thúc hai cuộc chiến tranh này và rút hết binh lính Mỹ ra khỏi hai nơi đấy.
Không đàm phán và thỏa thuận gì với chính phủ và lực lượng Taliban ở Afghanistan, ông Biden đơn phương quyết định rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan chậm nhất cho tới ngày 31/8 tới. Với một thoả thuận với chính phủ Iraq, ông Biden triệt thoái binh lính Mỹ ra khỏi Iraq chậm nhất cho tới ngày 31/12 năm nay. Cả hai cuộc chiến tranh ở hai nơi này đều là dai dẳng nhất và tốn kém nhất đối với nước Mỹ trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay.
Cả hai đều được tổng thống Mỹ George W. Bush phát động sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở nước Mỹ. Mỹ đưa quân vào Afghanistan với mục tiêu lật đổ chính thể Taliban ở Afghanistan với lý do Taliban hậu thuẫn và dung túng mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada tiến hành tấn công khủng bố nước Mỹ. Chính quyền của ông Bush ngụy tạo bằng chứng là chính quyền Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt để tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003 nhằm lật đổ chính thể ở đó. Tại Afghanistan và Iraq, Mỹ đều dựng nên chính thể mới và áp đặt mô hình nhà nước cũng như hệ tiêu chuẩn giá trị dân chủ của Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền ở Mỹ, ông Bush không chấm dứt được hai cuộc chiến tranh này. Người kế nhiệm của ông Bush cũng có được hai nhiệm kỳ cầm quyền - mà ông Biden là phó tổng thống Mỹ - cam kết tranh cử rút binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan nhưng không làm được. Người tiền nhiệm của ông Biden chỉ có được một nhiệm kỳ cầm quyền đã giảm bớt số lượng binh lính Mỹ ở Afghanistan và Iraq nhưng cũng không đưa được nước Mỹ ra khỏi hai cuộc chiến tranh ấy. Bây giờ, ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, ông Biden quyết định chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động quân sự trực tiếp của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq, triệt thoái binh lính Mỹ ra khỏi hai nước này.
Ở cả hai nơi, tham vọng của Mỹ dùng chiến tranh để xuất khẩu mô hình nhà nước dân chủ theo quan niệm và tiêu chí của phương Tây đều không trở thành sự thật. Sau khi Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự trực tiếp và cho dù vẫn còn cố vấn chính trị cũng như quân sự ở đó và bất chấp mọi quả quyết của Mỹ cùng đồng minh là không hề buông bỏ Afghanistan và Iraq, tương lai chính trị, an ninh và ổn định ở cả hai nơi ấy đều rất bất định. Ở Afghanistan, kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất là Taliban lại nắm giữ vai trò quyết định nhất về quân sự và chính trị. Ở Iraq, chính thể mới sẽ tiếp tục tồn tại chứ không bị đe dọa thật sự như ở Afghanistan nhưng sẽ không hoàn toàn là đồng minh tin cậy và trung thành của Mỹ mà trước mắt sẽ tìm cách cân bằng giữa Mỹ và Iran để rồi dần ngả thiên lệch hẳn về phía Iran. Láng giềng gần bao giờ cũng cần phải được đặc biệt coi trọng. Nhìn về lâu dài, Mỹ rất khó có thể tránh khỏi tình trạng mất cả chì lẫn chài ở Afghanistan và Iraq.
Không phải chính quyền của ông Biden không dự liệu được kịch bản triển vọng ấy. Nhưng phía Mỹ cũng thừa hiểu là không thể chiến thắng ở hai cuộc chiến tranh này và càng kéo dài tình trạng nhì nhằng lâu nay thì chỉ càng thêm hao người tốn của chứ không thể xoay chuyển tình thế. Thà chấp nhận một kết cục dứt điểm đầy đau đớn còn hơn là phải chịu nỗi đau đớn không biết đến khi nào mới kết thúc.
Mỹ chấm dứt chiến sự ở Afghanistan và Iraq, rút binh lính ra khỏi hai nơi đó thì ở đấy sẽ hình thành khoảng trống về quyền lực và ảnh hưởng trên phương diện chính trị, quân sự và an ninh. Sẽ có đối tác bên ngoài khác tìm cách chiếm lĩnh và bù lấp khoảng trống ấy. Tất cả đều sẽ tìm cách tránh vết xe đổ của Mỹ. Nhưng có tránh được không lại là chuyện khác./.
Hoàng Lan