Tân Tổng thống Iran nhậm chức: Dấu chấm hết cho nỗ lực ngoại giao của Mỹ?

Lễ nhậm chức của ông Ebrahim Raisi cùng cách tiếp cận ngày càng cứng rắn của Iran với thế giới bên ngoài có thể đặt dấu chấm hết cho chính quyền ông Biden.

 

Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi - người theo đường lối cứng rắn đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội vào ngày 5/8, trong bối cảnh quốc gia Hồi giao này đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng ở trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, lễ nhậm chức của ông Ebrahim Raisi cùng cách tiếp cận ngày càng cứng rắn của Iran với thế giới bên ngoài có thể đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Iran.

Cách tiếp cận mềm mỏng đã kết thúc

Chỉ vài tuần trước khi ông Ebrahim Raisi nhậm chức, Iran đã thể hiện lập trường không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1. Trong khi đó, căng thẳng giữa Tehran với Mỹ và phương Tây cũng leo thang sau cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một tàu chở dầu do Israel quản lý, khiến 2 thuyền viên thiệt mạng.

Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. (Ảnh: AFP)

Trước cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6 vừa qua, các cuộc đàm phán kéo dài 3 tháng tại Vienna, Áo gần như đã tiến gần tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2021. Tuy vậy, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei vẫn chưa bật đèn xanh cho các nhà đàm phán nước này tiến tới một thỏa thuận chung và cũng chưa rõ các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu.

Chuyên gia Ali Vaez thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, đánh giá: “Tất cả các tín hiệu đều chỉ ra rằng, mọi thứ đều diễn biến theo chiều hướng ngược lại”.

NBC News dẫn thông tin từ 2 quan chức cấp cao của châu Âu cho biết, ngày càng có nhiều khả năng Iran sẽ không đồng ý nối lại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) trong tháng 8/2021.

Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran sẽ được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt đổi lại nước này phải tuân thủ chặt chẽ các giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân. Tuy vậy, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Kể từ đó, Iran tăng cường làm giàu urani, sử dụng các máy ly tâm hiện đại hơn và hạn chế thanh sát viên Liên Hợp Quốc tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này. Tại Iraq, lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã phóng rocket vào các căn cứ của quân đội và nhà thầu Mỹ.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận với điều kiện Iran tuân thủ các điều khoản liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Tehran đã tăng gấp đôi các yêu cầu đàm phán mà Washington cho là không thực tế, trong đó có việc đòi “bồi thường” cho những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra và yêu cầu Washington đảm bảo các tổng thống tương lai sẽ không đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Truyền thống Iran cho biết, Tehran cũng sẽ không đàm phán về việc trao đổi tù nhân với Mỹ.

Ông Eric Brewer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, Iran đang báo hiệu rằng cách tiếp cận mềm mỏng, dựa trên tinh thần hợp tác của cựu Tổng thống Hassan Rouhani đã kết thúc. “Đây là sự khởi đầu của cách tiếp cận cứng rắn hơn, có xu hướng đối đầu – một cách tiếp cận mà nhà lãnh đạo tối cao Iran dường như cảm thấy thoải mái hơn”.

Iran đang mạo hiểm?

Giới cầm quyền tại Iran tin rằng, càng tiến gần hơn đến việc phát triển năng lực hạt nhân, họ càng có nhiều đòn bẩy để có được sự nhượng bộ của Mỹ và đồng minh châu Âu, ông Ali Vaez lưu ý.

Nhìn nhận ở một góc độ khác ông Karim Sadjadpour, chuyên gia về Iran tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, nhận định, Iran đưa ra nhiều điều kiện vì nhận thấy chính quyền Biden không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột ở Trung Đông, thay vì đó tập trung vào các ưu tiên khác. Bên cạnh đó, áp lực kinh tế tồi tệ nhất mà Mỹ gây ra cho Iran cũng giảm xuống, Tehran hiện giờ đang xuất khẩu một lượng đáng kể dầu thô sang Trung Quốc. “Sản lượng dầu mỏ Iran xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng gia tăng khiến Iran cảm thấy không cần quá cấp bách phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân để được giảm bớt các lệnh trừng phạt”, ông Karim Sadjadpour nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo nhiều nhà phân tích, Iran đang quá mạo hiểm với chiến lược của mình. “Cách tiếp cận của nước này thể hiện một tính toán sai lầm”, ông Vaez đánh giá. Iran có lẽ không tính đến phản ứng tiềm tàng của các quan chức Mỹ và châu Âu. Việc theo đuổi lập trường quá cứng rắn có thể kích hoạt một vòng xoáy leo thang căng thẳng nguy hiểm, chuyên gia này nhận định.

Ông Vaez đã so sánh tình hình hiện tại với vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 dưới thời cựu Tổng thống vô cùng cứng rắn của Iran là Mahmoud Ahmadinejad. Giọng điệu cương quyết của Tehran thời điểm đó đã khiến các cuộc đàm phán sụp đổ. Iran sau đó tăng cường nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân, nhưng các chính phủ phương Tây đã gia tăng trừng phạt, tạo gọng kìm siết chặt nền kinh tế Iran, gây ra tình trạng bế tắc kéo dài cho đến khi ông Rouhani nhậm chức vài năm sau đó.

Lựa chọn khó khăn của chính quyền Biden

Chuyên gia Eric Brewer - người từng phụ trách vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân trong chính quyền Obama và chính quyền Trump cho biết, vào cuối tháng 8 này, sẽ có thể biết được liệu Iran có thực sự thiện chí với các cuộc đàm phán hạt nhân hay không. Đến lúc đó, Iran sẽ phải quyết định liệu có tiến hành một vòng đàm phán khác với nhóm P5+1 hay không và nếu có thì ai sẽ là người dẫn đầu phái đoàn của họ.

Nhưng triển vọng đạt được một thỏa thuận ngoại giao dường như rất mờ nhạt và chính quyền Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn. Nếu các cuộc đàm phán sụp đổ, Tổng thống Biden sẽ phải xem xét liệu có nên để ngỏ cánh cửa ngoại giao giúp các bên tiến tới một số thỏa thuận trong tương lai, hay ban hành thêm các biện pháp trựng phạt ngăn Iran mở rộng chương trình hạt nhân. Theo các chuyên gia, một lựa chọn mang tính khả thi là áp đặt trừng phạt để chặn việc xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc.

Nếu Iran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, giá trị của việc hồi sinh thỏa thuận năm 2015 sẽ biến mất và phe cứng rắng ở Mỹ cũng như ở Israel một lần nữa sẽ thúc giục chính quyền thực thi hành động quân sự để ngăn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Dưới thời cựu Tổng thống Obama, Israel đã thúc đẩy các hoạt động quân sự chống lại chương trình hạt nhân Iran, theo hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo NBC News

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận