Ở Afghanistan, tình hình chính trị an ninh diễn biến rất nhanh chóng và đầy bất ngờ. Trong khoảng thời gian rất ngắn trước khi đến thời điểm Mỹ đặt ra cho việc rút hoàn toàn binh lính ra khỏi Afghanistan (31/8/2021), lực lượng Taliban dễ dàng đánh chiếm hết tỉnh lị này đến thành phố khác ở Afghanistan để rồi kiểm soát được cả thủ đô Kabul mà không vấp phải sự kháng cự nào từ phía quân đội chính phủ Afghanistan.
Trước đó, tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời Afghanistan ra nước ngoài. Phe Taliban cho biết sẽ khôi phục chính thể cũ ở Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây thực thi chiến dịch di tản nhân viên quân sự và ngoại giao cùng công dân của họ và những người Afghanistan đã làm việc cho họ trong 20 năm qua ra khỏi Afghanistan. Trong những phát ngôn đầu tiên và trong buổi họp báo đầu tiên sau khi kiểm soát thủ đô Kabul, phía Taliban chủ ý sử dụng ngôn từ và giọng điệu hoà bình với bên ngoài và hoà giải ở bên trong, thể hiện hình ảnh về Taliban hiện tại khác biệt cơ bản so với Taliban cách đây 20 năm.
Ngay sau khi kiểm soát được Phủ Tổng thống ở thủ đô Kabul, Taliban tuyên bố là cuộc chiến tranh ở Afghanistan đã kết thúc. Với việc rút hết binh lính ra khỏi Afghanistan, Mỹ và đồng minh trên danh nghĩa cũng như trên thực tế đã chấm dứt cuộc chiến tranh này đối với họ. Sau 20 năm chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ và đồng minh đã lật đổ được thể chế trước đây của Taliban và làm suy yếu mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada, tiêu diệt được thủ lĩnh của tổ chức khủng bố quốc tế này là Osama bin Laden. Một chính thể mới với bộ máy quân đội, cảnh sát và an ninh mới được thành lập ở Afghanistan nhưng cả sau 20 năm được Mỹ và đồng minh trợ giúp vẫn không phải là đối thủ quân sự của Taliban. Sự sụp đổ rất nhanh chóng của chính quyền và quân đội ở Afghanistan trước áp lực quân sự của Taliban là điều Mỹ và đồng minh không ngờ đến.
Ở Afghanistan hiện đang diễn ra bước chuyển thời đổi thế. Taliban trở lại cầm quyền và thành lập lại nhà nước Hồi giáo trước đây, lại là lực lượng chính trị và quân sự quyết định tất cả ở đất nước này. Không có gì là khó hiểu khi người dân ở Afghanistan và thế giới bên ngoài đất nước này hiện quan ngại sâu sắc về khả năng Taliban khôi phục những chính sách cực đoan và hà khắc về tôn giáo ở Afghanistan. Thời gian 20 năm chưa dài đủ mức để có thể xóa nhòa những ám ảnh về thời kỳ cầm quyền trước đây của Taliban. Sau này thế nào thì chưa biết nhưng hiện tại thì Taliban đã có những biểu hiện công khai với hàm ý là Taliban hiện tại không phải như Taliban trước đây 20 năm. Có thể đúng như thế thật nhưng cũng có thể những biểu hiện này chỉ là bước đi sách lược của Taliban để việc bắt đầu nhiếp chính trở lại ở Afghanistan được thuận lợi và để Mỹ cùng đồng minh không có cơ can thiệp quân sự trở lại Afghanistan.
Ba câu hỏi lớn hiện đặt ra và đòi hỏi được trả lời sau khi Taliban lại kiểm soát Afghanistan là tương lai chính trị nào đây cho Afghanistan; khu vực Nam Á rồi đây sẽ ra sao về chính trị an ninh và các đối tác bên ngoài, đặc biệt là những đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ, Pakistan hay NATO và EU sẽ công nhận hay không công nhận chính thể Taliban ở Afghanistan và sẽ chia sẻ hay cạnh tranh ảnh hưởng với nhau ở Afghanistan và ở khu vực Nam Á. Thời mới ở Afghanistan như thế nào phụ thuộc không chỉ vào chính sách cầm quyền của Taliban về đối nội cũng như đối ngoại, đặc biệt đối với Mỹ và đồng minh vốn là những bên đã tham chiến trực tiếp ở Afghanistan trong 20 năm qua, mà còn phụ thuộc vào thái độ của các đối tác này nói riêng và của cộng đồng quốc tế nói chung đối với Taliban.
Mỹ tuy chấm dứt tham chiến trực tiếp ở Afghanistan nhưng chắc chắn sẵn sàng hành động quân sự ở Afghanistan nhằm vào Taliban hay lực lượng nào khác ở Afghanistan mà Mỹ cho rằng đe dọa an ninh của Mỹ hay tấn công khủng bố Mỹ như Mỹ đã hành động ở Syria và Iraq./.
Hoàng Lan